Thị trường dầu mỏ tuần qua đã phân hóa theo những dự báo trái chiều về mức cầu dầu mỏ của các tổ chức năng lượng lớn trên thế giới, cùng những phản ứng tích cực đối với các số liệu khả quan của nền kinh tế Mỹ lớn nhất thế giới.



Theo giới phân tích, giá dầu đã bị ảnh hưởng từ những dự báo trái chiều về nhu cầu từ 3 tổ chức năng lượng lớn của thế giới là Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) và Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cùng đồng thời đưa ra vào tuần qua.



Nhà phân tích Carsten Fritsch của Commerzbank nhận định, không có việc nhu cầu tăng hoặc việc OPEC cắt giảm sản lượng, thị trường dầu mỏ thế giới sẽ vẫn duy trì được nguồn cung dồi dào, và chính nguồn cung dồi dào là lý do giải thích vì sao thị trường dầu không theo kịp với đà tăng trên thị trường cổ phiếu thời gian qua.



IEA trong tuần qua đã hạ dự báo về tăng trưởng nhu cầu dầu của thế giới trong tháng thứ hai liên tiếp khi dựa vào sự không chắc chắn của các cuộc đàm phán về ngân sách tại Mỹ, hoạt động kinh tế chậm lại của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới Trung Quốc và tỷ lệ thất nghiệp cao tại châu Âu.



Cơ quan này cũng dự báo nhu cầu dầu thế giới sẽ tăng lên 90,6 triệu thùng/ngày, thấp hơn 60.000 thùng so với dự báo lần trước (đưa ra hồi tháng 2 vừa qua), với lý do tình hình kinh tế vĩ mô tại các nền kinh tế lớn nhất và cũng là các nhà tiêu thụ dầu lớn nhất vẫn chưa ủng hộ cho giá dầu.



Trong khi đó, vào đầu tuần, OPEC lại công bố báo cáo trong đó dự báo sản lượng dầu của các nước ngoài OPEC sẽ tăng thêm 11% lên 1,0 triệu thùng/ngày trong năm 2013, chủ yếu là nhờ sản lượng từ Bắc Mỹ gia tăng.



OPEC - tổ chức chiếm khoảng 35% nguồn cung dầu trên toàn cầu - cũng dự báo nhu cầu dầu trên toàn cầu trong năm 2013 sẽ lên 89,7 triệu thùng/ngày, tăng 0,8 triệu thùng so với năm 2012.



Cũng theo báo cáo trên, trong ba tuần qua, giá dầu trung bình hàng tuần của OPEC đã tiếp tục suy giảm và đã có thời điểm tụt xuống mức thấp nhất trong 10 tuần trở lại đây.



Bên cạnh đó, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ vào đầu tuần cũng hạ thấp dự báo về giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) và giá dầu Brent biển Bắc trong năm nay.



Theo cơ quan này, giá dầu Brent dự kiến sẽ giảm xuống mức trung bình là 108 USD/thùng trong năm nay so với mức trung bình 112 USD/thùng của năm ngoái, trong khi giá dầu WTI dự kiến cũng giảm nhẹ, nhưng vẫn xoay quanh mức khoảng 92 USD/thùng.



Về khía cạnh hỗ trợ cho giá dầu trong tuần qua, là các số liệu kinh tế tích cực tại Mỹ (đặc biệt là trên thị trường việc làm), đồng USD yếu cùng một số thông tin tốt từ châu Âu và Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).



Đóng cửa phiên cuối tuần qua (15/3) trên thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 4/2013 chốt tuần ở mức 93,48 USD/thùng, giảm so với mức 91,21 USD/thùng của cuối tuần trước nữa.



Trong khi tại thị trường London, giá dầu Brent biển Bắc giao tháng 5/2013 đứng ở mức 109,90 USD/thùng, giảm nhẹ so với 110,03 USD/thùng của cuối tuần trước đó./.





Theo vietnamplus.vn