Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, vụ
đông xuân 2012 – 2013, Công ty Lương thực Tiền Giang thu mua tạm trữ 145.000 tấn
lúa quy gạo; trong đó, riêng đợt cao điểm từ 20/2 đến 31/3 thu mua tạm trữ
34.000 tấn lúa quy gạo.



Đây là nỗ lực
nhằm tiêu thụ hết lúa hàng hóa trong dân và đảm bảo người sản xuất có lãi 30%.



Công ty đã triển khai 12 điểm thu mua lúa tạm trữ tại các địa bàn trọng điểm,
trong đó có 8 điểm mua quy gạo và 4 điểm mua lúa. Phương thức thu mua cũng có
những thay đổi phù hợp, ngoài thu mua qua thương lái còn mua trực tiếp của nông
dân có nhu cầu.



Với sức chứa kho lên đến 110.000 tấn, Công ty
Lương thực Tiền Giang là doanh nghiệp nhà nước có phương án chủ động và chuẩn bị
chu đáo trong việc thực hiện chủ trương lớn của Nhà nước, giúp nông dân đồng
bằng sông Cửu Long an tâm đẩy mạnh sản xuất trong vụ đông xuân 2012 – 2013 và
những năm tiếp theo.



Nhờ đẩy mạnh thu mua tạm trữ, giá lúa đông xuân tại đồng bằng sông Cửu Long
những ngày qua tăng nhẹ, từ 50 – 100 đồng/kg so với tuần trước nên nông dân phấn
khởi. Hiện lúa thường (giống IR 50404) được thương lái thu mua khoảng 4.300
đồng/kg lúa tươi, 5.200 đồng/kg lúa khô tùy theo loại.



Tại Đồng Tháp, theo phân bổ chỉ tiêu thu mua lúa gạo tạm trữ vụ đông xuân của
Hiệp hội Lương thực Việt Nam, có 12 doanh nghiệp thu mua 100.000 tấn gạo, trong
đó 7 doanh nghiệp của tỉnh được giao thu mua 70.000 tấn và 5 doanh nghiệp ngoài
tỉnh có chi nhánh tại tỉnh thu mua 30.000 tấn.



Nhiều nông dân ở xã Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự cho biết vụ đông xuân này
năng suất đạt khá cao nhưng giá lúa tươi bán tại ruộng thấp hơn 500 đồng/kg so
với năm trước, trong khi đó giá vật tư nông nghiệp ngày càng tăng nên nông dân
lãi ít.



Theo ông Dương Nghĩa Quốc - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,
việc triển khai thu mua quá chậm so với thực tế trong khi nông dân đã thu hoạch
gần 110.000 ha, bằng hơn 1/2 tổng diện tích gieo trồng.



Trong thời gian chưa triển khai thu mua tạm
trữ, nông dân đã phải bán lúa với giá thấp, nguồn lãi thu được ít thì khó có thể
bù cho các mùa vụ còn lại để có lãi 30%/năm như Chính phủ đưa ra.



Mặc khác, việc thu mua lúa, gạo tạm trữ cần
phải dựa vào sản lượng lúa của từng tỉnh. Đồng Tháp sản xuất trên 200.000 ha
nhưng chỉ phân bổ mua tạm trữ có 100.000 tấn gạo, đồng thời cần phải cân nhắc kỹ
thời gian thu mua thích hợp để người dân hưởng được mức giá tốt, tăng thu nhập.




Theo các doanh nghiệp, giá lúa chưa tăng mạnh là do việc thu mua mới bắt đầu,
đồng thời các kho chứa vẫn chưa nhận hàng nhiều. Toàn tỉnh Đồng Tháp đã thu
hoạch hơn 60% diện tích, các huyện đang bước vào thu hoạch rộ là Tam Nông, Hồng
Ngự, Cao Lãnh... Tuy có chậm trong việc thu mua tạm trữ nhưng nông dân vẫn hy
vọng là giá lúa sẽ tăng để người nông dân có lãi.



Ông Nguyễn Văn Long, Phó Giám đốc Công ty
Lương thực Bạc Liêu cho biết, Công ty đang triển khai thu mua tạm trữ vụ lúa
Đông xuân 2012 - 2013. Công ty được giao chỉ tiêu thu mua tạm trữ 15.000 tấn
gạo, tương đương 30.000 tấn lúa. Việc thu mua bắt đầu từ ngày 20/2 - 31/3/2013.




Ngay sau khi triển khai mua lúa tạm trữ theo chỉ đạo của Chính phủ, giá lúa trên
địa bàn tỉnh Bạc Liêu đã tăng từ 200 đến 300 đồng/kg tùy chủng loại. Cụ thể: giá
lúa khô, hạt dài đạt tiêu chuẩn xuất khẩu dao động từ 5.000 - 5.500 đồng/kg; lúa
đặc sản tài nguyên có giá từ 6.600 đến 7.100 đồng/kg.



Hiện nay hơn 36.600 ha lúa Thu đông của tỉnh đã được thu hoạch dứt điểm, năng
suất bình quân 55 tạ/ha; lúa Đông xuân 2013 cũng đã thu hoạch được 7.500 ha,
năng suất bình quân 55 tạ/ha, bằng vụ Đông xuân năm 2012.



Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn Bạc Liêu Phan Minh Quang, hiện trong tỉnh còn khoảng 75% diện
tích lúa đông xuân chưa thu hoạch. Do đó, chính sách hỗ trợ lãi suất cho các
doanh nghiệp thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo mà Chính phủ vừa đưa ra là rất kịp
thời, giá thu mua đảm bảo lợi nhuận cho người trồng lúa.



Trong tháng 2/2013, các doanh nghiệp thu mua, chế biến lương thực của tỉnh đã
xuất khẩu khoảng 3.000 tấn gạo, nâng tổng lượng xuất từ đầu năm đến nay đạt hơn
4.150 tấn, bằng 4,15% kế hoạch và tăng 25,76% so với cùng kỳ.



Đây được coi là tín hiệu vui trong những
tháng đầu năm. Hiện nay, các doanh nghiệp thu mua, chế biến lương thực đang tập
trung thu mua lúa gạo dự trữ và liên kết với nông dân sản xuất theo đơn đặt hàng
nhằm nâng cao chất lượng và thương hiệu cho hạt gạo Bạc Liêu./.





Theo vietnamplus.vn