Bộ trưởng Điều phối Kinh tế Indonesia Hatta Rajasa vừa cho hay chính phủ nước
này sẽ đẩy mạnh kiểm soát việc tiêu thụ dầu được trợ giá trong nỗ lực tránh làm
tăng gánh nặng cho ngân sách.



Tuyên bố trên được đưa ra khi nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á này đã dành
193.800 tỷ rupiah (khoảng 20,02 tỷ USD) cho kế hoạch trợ giá 46 triệu kl (1kl =
1.000 lít) dầu và 80.600 tỷ rupiah (khoảng 83,27 tỷ USD) cho trợ giá điện trong
năm 2013. Bộ trưởng Năng lượng Indonesia Jero Wacik nói rằng khối lượng lớn kể
trên là gánh nặng đối với ngân sách nhà nước.



Theo Bộ trưởng Hatta Rajasa, việc tăng cường kiểm soát nhiên liệu trợ giá sẽ
giúp ngăn ngừa sự tái diễn của tình trạng tăng mạnh nhu cầu tiêu dùng dầu được
trợ giá như đã xảy ra trong năm 2012, bởi nạn buôn lậu và thực hiện yếu kém
chương trình cắt giảm trợ giá. Cho dù “những nỗ lực trong năm 2012 không phát
huy đầy đủ hiệu quả như mong đợi, nhưng Indonesia sẽ không từ bỏ và tin rằng có
thể đạt được những kết quả đáng kể trong nỗ lực tiết kiệm dầu”.



Với lượng dầu trợ giá rất lớn, Indonesia cần dành tiền cho nhập khẩu dầu mỏ, khi
giá dầu có thể tăng cao do tình hình kinh tế có dấu hiệu phục hồi. Điều này có
thể khiến thâm hụt thương mại của Indonesia gia tăng và làm đồng rupiah giảm giá
so với USD mà sẽ đẩy giá trị nhập khẩu lên cao. Trong khi đó, việc tăng giá dầu
trợ cấp là điều không thể, vì có thể gây ra những rủi ro chính trị khi cuộc bầu
cử thổng thống dự kiến sẽ diễn ra vào năm 2014.



Ông Hatta cho biết sẽ áp dụng công nghệ thông tin hiện đại để tránh tình trạng
lạm dụng và buôn lậu dầu mỏ được chính phủ trợ giá, cùng với việc phát động
phong trào thực hiện chương trình cắt giảm dầu trợ giá và kiểm soát hạn ngạch
đối với mặt hàng này.



Năm 2012, Chính phủ Indonesia đã tăng hạn ngạch dầu được trợ giá từ 40 triệu kl
lên 46 triệu kl. Về dài hạn, chính phủ nước này sẽ đẩy mạnh nỗ lực nhằm giảm bớt
sự phụ thuộc vào các nguồn nhiên liệu hóa thạch và hướng nhiều sang sử dụng khí
đốt hiện khá dồi dào ở Indonesia.



Theo cơ quan giám sát dầu khí BP Migas, trữ lượng dầu mỏ đã được kiểm chứng của
Indonesia đạt 4.303,10 triệu thùng dầu tiêu chuẩn (MMSTB) và trữ lượng dầu tiềm
năng là 3.695,49 thùng dầu tiêu chuẩn. Ngoài ra, trữ lượng khí đốt đã được kiểm
chứng của Indonesia đạt 107,34 tỷ phút khối tiêu chuẩn (tscf) (1 phút khối =
0,0283m3).



Trong khi đó, theo Bộ trưởng Wacik, lượng dầu khai thác (để bán) trong năm 2012
của Indonesia đạt 860.000 thùng/ngày, thấp hơn so với mức mục tiêu 930.000
thùng/ngày.



Indonesia đang cố gắng tăng sản lượng dầu mỏ do sản lượng của các giếng cũ cạn
dần và thiếu nguồn vốn đầu tư mới từ nước ngoài, nhất là sau khi nước này rút
khỏi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) vào năm 2008. Indonesia hy vọng
nguồn thu từ dầu khí sẽ đạt khoảng 27,9-29,5 tỷ USD năm nay./.






Theo vietnamplus.vn