Ảnh <g id='12' data-gr-id='12'>minh</g> họa. (Nguồn: AFP)


Tăng trưởng kinh tế thế giới không đồng đều, tốc độ phục hồi chậm nhưng giá dầu giảm mạnh có thể sẽ tạo động lực cho tăng trưởng toàn cầu.



Đó là những đánh giá chủ yếu trong tuyên bố chung của Hội nghị các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) kết thúc ngày 10/2 tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ).



Tuyên bố của G-20 nêu rõ các nước thành viên sẽ tiến hành các bước đi mạnh mẽ nhằm thúc đẩy kinh tế toàn cầu, đồng thời hoan nghênh những triển vọng tích cực về tăng trưởng kinh tế và việc làm tại một số nền kinh tế chủ chốt.

Tuy nhiên, các nước thành viên G-20 cũng bày tỏ lo ngại về tốc độ phục hồi kinh tế ì ạch tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), Nhật Bản và một số nền kinh tế đang nổi.
Theo đánh giá chung của G-20, việc giá dầu giảm mạnh có thể tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế thế giới, thúc đẩy sức mua của các nước nhập khẩu năng lượng và làm giảm áp lực lạm phát.



Nhưng do dự báo giá dầu vẫn chưa rõ ràng nên cần theo dõi sát tình hình tại các thị trường cũng như ảnh hưởng của biến động giá dầu tới kinh tế thế giới. Theo G-20, giá dầu giảm cũng tạo cơ hội để các nước đánh giá lại chính sách thuế và hủy bỏ chính sách trợ giá nhiên liệu.
Liên quan đến tiến trình cải cách Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) theo hướng tăng đại diện cho các nước đang phát triển, G-20 bày tỏ không hài lòng về tốc độ thực hiện tiến trình này, đồng thời kêu gọi Mỹ phê chuẩn thỏa thuận về cải cách IMF. G-20 cho rằng việc Quốc hội Mỹ chậm phê chuẩn thỏa thuận đang gây cản trở quá trình cải cách của tổ chức tài chính toàn cầu này.



Tuyên bố của G-20 không đề cập cụ thể về tình hình tại Hy Lạp, vì nước này không phải là thành viên của G-20, song khẳng định sẽ tìm cách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng nợ công tại khu vực Eurozone./.

Theo vietnamplus.vn