Theo Hiệp hội mía đường Việt Nam, nhiều nhà máy đường trong nước đang lo lắng vì
tổng lượng đường tồn kho tính đến ngày 28/1 lên tới 276.000 tấn, trong khi đó
kiến nghị được xuất khẩu 300.000 tấn đường của Hiệp hội vẫn chưa được thông qua.



Ông Nguyễn Hải, Tổng Thư ký Hiệp hội mía đường Việt Nam cho biết vào đầu niên vụ
mía đường 2012-2013, Hiệp hội dự báo sản lượng đường cả niên vụ vào khoảng 1,5
triệu tấn, cộng với lượng đường tồn kho còn lại của vụ trước 178.000 tấn và
70.000 tấn nhập khẩu, tổng lượng đường của cả năm sẽ là 1,7-1,8 triệu tấn, chưa
kể một lượng lớn đường nhập lậu từ các tỉnh biên giới Tây Nam.



Trong khi đó, dự báo của Bộ Công Thương cho thấy nhu cầu đường trong nước niên
vụ này ước khoảng 1,3-1,4 triệu tấn, như vậy lượng đường dư thừa khoảng 400.000
tấn.



Hơn nữa, cũng theo Hiệp hội mía đường Việt Nam, do tình hình kinh tế khó khăn,
tiêu thụ đường trong nước đang rất thấp mặc dù vào thời điểm gần Tết, các doanh
nghiệp sản xuất đường (chủ yếu ở phía Nam) đang rất lo lắng. Hiện giá đường tại
nhà máy đang ở mức 13.500-14.000 đồng/kg, khá thấp so với cùng kỳ năm 2012 là
16.300-17.700 đồng/kg.



Ông Hải cho rằng với giá bán này, hiện một số nhà máy đang chịu lỗ và cố gắng
cầm cự bởi mía là loại nông sản không thể tạm trữ trong dân, nếu quá lứa không
thu hoạch, bán cho nhà máy ép đường là coi như bỏ đi.



Trước vấn đề này, ông Đoàn Xuân Hòa, Phó Cục trưởng Cục chế biến thương mại nông
lâm sản và thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết mặc dù
Hiệp hội mía đường Việt Nam kiến nghị được xuất khẩu 300.000 tấn đường trong năm
2013 nhưng đó chỉ là đề nghị của Hiệp hội.



Trên thực tế, số lượng xuất khẩu bao
nhiêu sẽ được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương căn cứ trên
nhu cầu sản xuất và tiêu thụ trong nước trước khi quyết định trình Chính phủ cho
xuất khẩu đường./.





Theo vietnamplus.vn