Theo Bộ Công Thương, chỉ số tồn kho trong lĩnh vực chế biến, chế tạo
đang có xu hướng giảm dần qua từng tháng và ổn định ở mức phù hợp với kết quả
sản xuất kinh doanh.



Cụ thể, tại thời điểm ngày 1/3/2012, chỉ số hàng tồn kho trong lĩnh vực chế
biến, chế tạo là 34,9% thì đến ngày 1/6/2012 chỉ số này là 26% và đến ngày
1/12/2012 giảm xuống còn 20,1% (chỉ số hàng tồn kho cùng thời điểm này năm 2011
là 23%).



Tuy nhiên, so với cùng kỳ, vẫn còn một số ngành có chỉ số tồn kho cao hơn chỉ số
tồn kho bình quân chung. Cụ thể, ngành sản xuất xe có động cơ có chỉ số tồn kho
gần 77%; sản xuất dây, cáp điện tăng có chỉ số tồn kho gần 57%; sản xuất sản
phẩm từ plastic có chỉ số tồn kho 46,8%; sản xuất phân bón có chỉ số tồn kho
40,8%...



Đánh giá về mức tồn kho trong năm qua, Bộ Công Thương cho rằng do khủng hoảng
kinh tế toàn cầu chưa phục hồi nên nhu cầu tiêu thụ sản phẩm công nghiệp toàn
thế giới và trong nước khá ảm đạm, dẫn đến tiêu thụ gặp nhiều khó khăn, chỉ số
tiêu thụ ở hầu hết các tháng đều thấp hơn chỉ số sản xuất, tất yếu dẫn đến tồn
kho sản phẩm.



Tuy nhiên, với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự nỗ lực của các bộ, ngành và
cộng đồng các doanh nghiệp, tình hình giải quyết hàng tồn kho trong doanh nghiệp
nhìn chung có chuyển biến tích cực, chỉ số tồn kho trong lĩnh vực chế biến, chế
tạo có xu hướng giảm dần qua các tháng.



Để giảm mức tồn kho, Chính phủ đã thực hiện các cơ chế chính sách hỗ trợ nhằm hỗ
trợ tiêu thụ sản phẩm và Nhà nước cho phép ứng vốn năm 2013 cho các dự án đầu
tư.



Bên cạnh đó, các doanh nghiệp tiếp tục điều tiết sản xuất, kinh doanh để giảm
lượng hàng tồn kho, tránh ứ đọng vốn. Nhiều doanh nghiệp đã giảm giá thành để
tiêu thụ sản phẩm, một số doanh nghiệp khác cắt giảm sản xuất, duy trì sản xuất
ở mức cầm chừng.



Với một số sản phẩm tồn kho cao hơn mức tồn kho bình quân chung, Chính phủ và
các bộ, ngành đã và đang thực hiện những giải pháp nhằm hỗ trợ để tiếp tục giảm
lượng hàng tồn kho./.





Theo vietnamplus.vn