Mặc dù nỗi lo mang tên “vách đá tài chính” của Mỹ liên tục ám ảnh thị trường
hàng hóa toàn cầu trong tuần vừa qua, song giá dầu lại diễn biến khá tích cực
trong hầu hết các phiên giao dịch của tuần này, nhờ những hy vọng về khả năng
đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa sẽ đạt được thỏa thuận về ngân sách trước khi kế
hoạch tăng thuế giảm chi tiêu công tự động có hiệu lực ngay khi năm mới 2013 bắt
đầu.



Ngay trong ba phiên giao dịch đầu tiên của tuần (17, 18 và 19/12), giá dầu
liên tiếp đi lên khi cuộc đàm phán để đi đến một thỏa thuận về ngân sách giữa
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Hạ viện John Boehner đang có những bước
tiến tích cực nhằm ngăn chặn “vách đá tài chính”, nguy cơ đe dọa đẩy nước Mỹ rơi
trở lại suy thoái. Mặc dù lập trường của hai bên vẫn còn nhiều khoảng cách, song
ông Boehner cũng đã đồng tình với một vài đề xuất của Tổng thống Obama.



Thêm vào đó, báo cáo mới nhất của Chính phủ Mỹ cho thấy chỉ số niềm tin của
các hãng xây dựng nhà ở trong tháng 12/2012 đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng
4/2006, và thâm hụt tài khoản vãng lai của nước này giảm xuống mức thấp nhất
trong vòng hai năm qua, đã góp phần thúc đẩy đà tăng của thị trường năng lượng
Mỹ.



[Mỹ: Dự luật tạm thời giải quyết 'vách đá tài chính']



Vẫn có những lúc cuộc đàm phán giữa người đứng đầu hai chính đảng của Mỹ về
vấn đề ngân sách được ví như một “cuộc khẩu chiến” khi cả hai đều không nhượng
bộ lẫn nhau và có những chỉ trích gay gắt đối với kế hoạch mà phía kia đưa ra,
song giá dầu vẫn không chùn bước mà tiếp tục xu hướng tăng, thậm chí còn phá mốc
90 USD/thùng, sau khi Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ công bố báo cáo cho thấy
trong tuần kết thúc ngày 14/12, nguồn cung dầu thô của Mỹ giảm 1 triệu thùng,
thấp hơn mức dự báo của giới phân tích là giảm 2,3 triệu thùng.



Nguồn cung các chế phẩm khác từ dầu cũng giảm 1,1 triệu thùng, ngược với dự
báo tăng 1,5 triệu thùng. Riêng chỉ có lượng dự trữ xăng tăng 2,2 triệu thùng,
gần bằng với mức dự báo. Các số liệu này cho thấy nhu cầu tiêu thụ năng lượng
toàn cầu đang bắt đầu tăng lên, nhất là khi mùa nghỉ lễ cuối năm và năm mới đang
đến rất gần.



Tuy nhiên, tới phiên giao dịch ngày 20/12, thị trường dầu mỏ đã có sự phân
hóa, do niềm tin của giới đầu tư vào khả năng Nhà Trắng và Quốc hội Mỹ sẽ đạt
được thỏa thuận ngân sách trước năm 2013 nhằm ngăn chặn “vách đá tài chính” đang
dần bị lung lay.



Giá dầu ngọt nhẹ vẫn tiếp tục tăng nhẹ 15 xu, lên 90,13
USD/thùng, nhờ báo cáo mới nhất từ Bộ Thương mại Mỹ cho biết sau khi điều chỉnh,
GDP quý 3/2012 của nước này tăng trưởng 3,1%, cao hơn ước tính trước đó, trong
khi tại London, giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn lại giảm 16 xu xuống
110,20 USD/thùng.



Kết thúc tuần này (ngày 21/12), giá dầu đồng loạt “tụt dốc”, giữa bối cảnh
chỉ còn 10 ngày nữa là kế hoạch tăng thu giảm chi sẽ tự động có hiệu lực mà thỏa
thuận về ngân sách của Chính phủ Mỹ thì vẫn vắng bóng. Ngoài ra, sự đi xuống của
thị trường chứng khoán và đà tăng của chỉ số đồng USD - thước đo giá trị của
“đồng bạc xanh” so với rổ 6 loại tiền tệ khác, cũng là những nhân tố gây sức ép
cho giá dầu trong phiên cuối tuần và khiến giá dầu ngọt nhẹ tuột khỏi mốc 90
USD/thùng.



Chốt phiên này, tại thị trường New York, giá dầu thô giao tháng 1/2013 giảm
1,47 USD (1,6%), xuống 88,66 USD/thùng. Trong khi tại London, giá dầu Brent
Biển Bắc giao tháng 2/2013 cũng hạ 1,23 USD xu (1,1%), xuống 108,97 USD/thùng.
Tuy nhiên tính chung cả tuần, giá xăng và giá dầu thô vẫn tăng lần lượt 2,6% và
1,3%. Giá khí tự nhiên cũng tăng 4,2%, đánh dấu tuần tăng đầu tiên của mặt hàng
này trong 4 tuần qua./.





Theo vietnamplus.vn