Ông Cham Prasidh, Bộ trưởng cấp cao, Bộ Thương mại Vương quốc Campuchia khẳng
định việc đưa khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam trở thành vùng
cao su thế giới sẽ là một trong những giải pháp giúp thoát nghèo bền vững cho
toàn khu vực.



Tại Hội nghị Ủy ban điều phối chung lần thứ 8 Khu vực Tam giác phát triển
Campuchia-Lào-Việt Nam, ngày 7/12 ở Kon Tum, ông Cham Prasidh cho rằng khu
vực Tam giác phát triển còn nghèo, do đó cần thúc đẩy rà phá bom mìn, vật chưa
nổ để có quỹ đất mới trồng cao su. Ông Cham Prasidh bày tỏ tin tưởng vùng đất
này với 13 tỉnh sẽ thành vùng cao su lớn, với hàng vạn ha.



Theo đánh giá của các Bộ trưởng, hiện tại Việt Nam có lợi thế nhất trong việc
trồng cao su. 5 tỉnh của Việt Nam là: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và
Bình Phước đã hình thành các vùng chuyên canh cây cao su từ hàng chục năm qua.



Trong vòng gần 10 năm lại đây, cao su đã thực sự là cây xoá đói, giảm
nghèo và làm giàu bền vững cho người dân Việt Nam. Cao su phát triển tới đâu kéo theo hạ
tầng cơ sở tới đó đã thực sự mang lại diện mạo mới cho các vùng nông thôn nghèo
ở khu vực này. Các tỉnh trên cũng xác định cao su sẽ là cây trồng chủ
lực để thoát nghèo cho địa phương.



Bên cạnh việc phát triển cao su theo kiểu đại
điền thì các tỉnh cũng có nhiều chính sách hỗ trợ cho người dân nghèo có thể
trồng cao su nhưhỗ trợ, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật….



Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam Bùi Quang Vinh cho biết thêm Việt Nam
đã phát triển cao su từ lâu, Lào, Campuchia đang trồng cao su. Đây là lợi thế và
hướng đi đúng. Việc phát triển cao su ở vùng tam giác phát triển phù hợp với
trình độ dân trí, kỹ thuật của người dân trong vùng. Các nước đã làm phải làm
quy mô lớn, đại điền, không thể manh mún vì liên quan đến đầu tư hạ tầng.



Vùng
tam giác phát triển có thể phát triển được 1 triệu ha cao su và là vùng phát
triển cao su của Thế giới.



Đồng quan điểm trên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Campuchia chia sẻ, việc
trồng cao su cũng sẽ giúp các ngành công nghiệp khác phát triển như chế biến mủ,
làm săm lốp ôtô, máy bay…



Ngài Somdy Douangdy, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào: “Lào hiện có 90.000 ha
cao su. Chúng ta có thể xây dựng nơi đây thành vùng cao su của thế giới. Ở Lào,
cây cao su đã cho khai thác mủ nhưng nguồn năng lực, lao động làm nghề còn ít.
Chính phủ nên ủng hộ hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo tay nghề cho lao động”.



Bộ trưởng của hai nước Lào, Campuchia cũng đề nghị Việt Nam tăng cường đào tạo,
bồi dưỡng để nâng tay nghề cho người trồng cao su ở các nước./.





Theo vietnamplus.vn