Ảnh minh họa. (Nguồn: http://www.sharesinv.com)


Theo số liệu mới nhất của Cục Hải quan Liên bang Thụy Sĩ, nhu cầu toàn cầu đối với hàng hóa được sản xuất tại Thụy Sĩ đã tăng 3,5% trong năm 2014, với kim ngạch xuất khẩu đạt mức cao kỷ lục 208,3 tỷ franc (224 tỷ USD), xô đổ kỷ lục trước đó được ghi nhận vào năm 2008.



Ngược lại, nhập khẩu của Thụy Sĩ lại đình trệ trong năm 2014 dẫn đến mức thặng dư thương mại cả năm lên tới 30 tỷ franc. Các ngành như dược phẩm, hóa chất và đồng hồ đã dẫn đầu mức gia tăng về xuất khẩu của Thụy Sĩ.



Hoạt động kinh doanh dược phẩm và các sản phẩm hóa học, mà chiếm 85,3 tỷ franc (tương đương với 41% tổng kim ngạch xuất khẩu của Thụy Sĩ), đã tăng 5% so với năm ngoái, trong khi ngành đồng hồ vẫn tiếp tục ổn định với doanh số bán hàng tăng 1,9%.



Hơn một nửa lượng hàng xuất khẩu của Thụy Sĩ (120,7 tỷ franc) đã đến châu Âu, tăng 3% trong năm ngoái. Xuất khẩu sang châu Á vẫn ở mức tăng trưởng tương tự và đạt 45,3 tỷ franc.



Trong khi đó, điều kiện kinh tế cải thiện ở Mỹ đã giúp đưa xuất khẩu của Thụy Sĩ sang thị trường này tăng 10% trong năm 2014 lên mức cao kỷ lục 25,9 tỷ franc.



Tuy nhiên, các nhà xuất khẩu sẽ ít có lý do để ăn mừng trước những con số tích cực trong năm 2014 sau khi Ngân hàng trung ương Thụy Sỹ (SNB) dỡ bỏ mức trần tỷ giá giữa đồng franc và đồng euro hôm 15/1. Việc đồng franc tăng giá trong năm nay sẽ có những tác động tiêu cực ngành xuất khẩu của Thụy Sĩ.



Kể từ khi quyết định của SNB được đưa ra, giá hàng hóa Thụy Sĩ ở nước ngoài đã tăng khoảng 20% do việc đồng franc tăng giá so với đồng euro và các đồng tiền khác. Nhiều nhà xuất khẩu đã gióng lên hồi chuông báo động về triển vọng trước mắt của họ, trong khi các nhà kinh tế đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Thụy Sĩ.



Theo hãng nghiên cứu thị trường Euromonitor International, ngành sản xuất đồng hồ Thụy Sĩ phải đối mặt với một năm đầy khó khăn ở phía trước.



Nhà phân tích Sulabh Madhwal cho rằng nhu cầu giảm tại các thị trường trọng điểm như Nga, Hong Kong và Trung Quốc cũng đã đặt ngành này trước nhiều thách thức.



Do giá thành sản phẩm tăng cao, nhu cầu từ các nhà phân phối trên toàn thế giới được dự báo sẽ giảm. Các nhà sản xuất Nhật Bản và Mỹ sẽ có vị trí tốt để thách thức sự thống trị của các nhà sản xuất Thụy Sĩ./.


Theo vietnamplus.vn