Ngày 16/11, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu kéo dài gần
một thập kỷ qua đối với hàng hóa từ Myanmar.



Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao và Bộ Tài chính Mỹ, nền kinh tế số một thế giới
này sẽ 'mở cửa' đối với hầu hết các sản phẩm của Myanmar, ngoại trừ đá quý - vốn
bị coi là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng tham nhũng và bạo lực ở quốc gia
Đông Nam Á này.



Thông cáo trên nêu rõ động thái này là nhằm 'ủng hộ và khuyến khích các nỗ lực
cải cách của chính quyền Nay Pi Taw cũng như mở ra các cơ hội mới đối với giới
doanh nghiệp của cả hai nước.'



Cũng theo thông cáo, chính quyền Myanmar và thủ lĩnh đảng Liên đoàn Quốc gia vì
Dân chủ đối lập (NLD), bà Aung San Suu Kyi, đều ủng hộ quyết định trên của
Washington, cho rằng đây là một bước đi hướng tới đưa Myanmar 'hội nhập hơn nữa
vào nền kinh tế toàn cầu.'



Quyết định nới lỏng lệnh cấm vận kinh tế đối với Myanmar của Mỹ được đưa ra
trước thềm chuyến thăm lịch sử tới quốc gia Đông Nam Á này của Tổng thống Obama
vào ngày 19/11 tới. Đây là lần đầu tiên Myanmar đón tiếp một vị Tổng thống Mỹ
đương nhiệm, trong bối cảnh mối quan hệ hai nước đang ấm dần lên sau khi
Washington nới lỏng hầu như tất cả các lệnh trừng phạt từng áp đặt lên quốc gia
này trong nhiều thập kỷ qua.



Lệnh cấm vận của Mỹ đối với các sản phẩm của Myanmar được áp đặt từ năm 2003.
Tuy nhiên, quan hệ Mỹ-Myanmar đã cải thiện rõ rệt kể từ sau chuyến thăm của Tổng
thống Myanmar U Thein Sein tới Mỹ hồi tháng Chín vừa qua, khi Ngoại trưởng Mỹ
Hillary Clinton cam kết bình thường hóa quan hệ thương mại với Nay Pi Taw.



Trước đó, hai nước tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao trong chuyến thăm
lịch sử tháng 12/2011 của Ngoại trưởng Clinton tới Myanmar. Mới đây nhất, ngày
10/10, Tổng thống Obama đã dỡ bỏ những hạn chế của Mỹ đối với các thể chế tài
chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB) cho Myanmar vay mượn.



Hồi tháng Bảy vừa, Mỹ cũng đã nới lỏng một số lệnh trừng phạt kinh tế đối với
Myanmar, qua đó cho phép các công ty nước này đầu tư và xuất khẩu các dịch vụ
tài chính vào quốc gia Đông Nam Á.



Theo giới chuyên gia, việc Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu hàng hóa của Myanmar có
thể góp phần không nhỏ thúc đẩy nền kinh tế quốc gia Đông Nam Á này.



Trong hai năm 2001 và 2002, thời điểm trước khi lệnh cấm có hiệu lực, kim ngạch
xuất khẩu hàng dệt may của Myanmar sang Mỹ đạt lần lượt 470 triệu USD và 356,4
triệu USD và trong những năm gần đây, các doanh nghiệp Myanmar hoạt động trong
lĩnh vực này không thể xuất hàng sang thị trường Mỹ./.





Theo vietnamplus.vn