Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam và Hội Cao su-nhựa Thành phố Hồ Chí Minh, các
doanh nghiệp ngành này đang lo ngại về việc các sản phẩm lốp, xăm xe
của Việt Nam khó cạnh tranh với sản phẩm của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước
ngoài của Đài Loan (Trung Quốc), sử dụng công nghệ Hàn Quốc và châu Âu.



Ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hội Cao su-nhựa Thành phố Hồ Chí Minh nhận định,
ngành công nghiệp sản xuất lốp, xăm xe đang phát triển khá nhanh, các doanh
nghiệp đang cố gắng đa dạng hóa sản phẩm để cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu.



Ví dụ, sản phẩm lốp xe tải radial toàn thép sẽ được các Công ty cao su Đà
Nẵng (DRC) và Casumina đưa ra thị trường vào năm 2013 để khắc phục tình trạng
toàn bộ lốp xe sử dụng cho các loại xe khách, xe du lịch… hiện nay đều phải nhập
khẩu.



Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là trong khi các doanh nghiệp trong nước chủ yếu
sử dụng máy thiết bị nhập khẩu từ Đài Loan, Trung Quốc…, thì các doanh nghiệp
FDI sử dụng công nghệ từ chính công ty mẹ như Kumho sử dụng công nghệ Hàn Quốc,
Bridgestone hay Michelin cũng đều sử dụng công nghệ của châu Âu và Mỹ.



Hiệp hội cao su Việt Nam cho biết, mức tiêu thụ cao su thiên nhiên trong nước
ước 150.000 tấn để sản xuất các sản phẩm chính là lốp, xăm xe (chiếm khoảng 70%
tổng giá trị), trong đó vỏ xe hai bánh, xe đạp đã đáp ứng được thị trường trong
nước, nhưng sản lượng vỏ xe tải và xe buýt vẫn thấp hơn nhu cầu nội địa.



Ngoài ra, các doanh nghiệp còn sản xuất các sản phẩm cao su khác như găng
tay, đế giày, chỉ thun, băng tải, nệm gối… nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu
về số lượng và chất lượng của người tiêu dùng trong nước./.





Theo vietnamplus.vn