Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho
biết, trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, việc tăng cường trao đổi kinh
nghiệm trong hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) có ý nghĩa quan
trọng để thu hút các đối tác đầu tư vào Việt Nam thời gian tới.



Theo đánh giá, mặc dù đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đang có dấu hiệu suy
giảm, 9 tháng đầu năm tổng vốn FDI đăng ký đạt khoảng 9,52 tỷ USD, bằng khoảng
72,1% cùng kỳ năm ngoái, nhưng Việt Nam vẫn có những lợi thế nhất định. Thời
gian gần đây có làn sóng đầu tư từ các doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam.



Ông Lê Hữu Quang Huy, Tham tán kinh tế, Trưởng bộ phận xúc tiến đầu tư,
Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản cho biết nhiều doanh nghiệp Nhật Bản cho rằng,
hiện thuế thu nhập doanh nghiệp lên tới 41%, thời gian tới Chính phủ Nhật Bản sẽ
đánh thuế tiêu thụ đặc biệt lên mức rất cao.



Do vậy, việc đầu tư ra nước ngoài
sẽ có lãi hơn đầu tư trong nước, đó là chưa kể đến các chính sách ưu đãi tại
nước sở tại.



Bà Nguyễn Thị Minh Hiền, Tham tán đầu tư Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc
cho biết, đầu tư ở đâu có lợi nhuận thì các doanh nghiệp sẽ đến đó đầu tư. Cho
đến nay, nhiều tập đoàn lớn của Hàn Quốc vẫn mong muốn đầu tư vào Việt Nam.



Tuy
nhiên, vướng mắc không nhỏ trong quá trình xúc tiến đầu tư tại nước ngoài được
đại diện các cơ quan xúc tiến đầu tư chia sẻ, đó chính là việc thiếu cập nhật
thông tin cơ bản về đầu tư, kinh doanh.



Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, các đại diện xúc tiến đầu tư tại nước
ngoài là đầu mối, kênh quan trọng trong kết nối đầu tư giữa Việt Nam và các nước
khác. Tuy vậy, thời gian tới cũng cần có sự điều chỉnh về địa bàn để tăng cường
đón đầu và hỗ trợ đầu tư của họ vào Việt Nam.



Về tình hình thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài thời gian qua, ông Đỗ
Nhất Hoàng cho rằng, giữa chính sách, hành lang pháp lý với việc đảm bảo tính
thực thi còn nhiều khoảng cách. Ngay như tại danh mục các dự án đầu tư, nhiều dự
án không có nhiều hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.



Chính vì thế, thời gian tới
Việt Nam sẽ không xúc tiến chung chung, mà sẽ tập trung vào từng vấn đề cụ thể.
Bên cạnh đó, cần hoàn thiện môi trường pháp lý, cập nhật thông tin cơ bản về đầu
tư, kinh doanh. Các địa phương cũng như Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần xây dựng kế
hoạch xúc tiến đầu tư cho từng lĩnh vực cụ thể./.





Theo vietnamplus.vn