Ngày 9/10, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát
triển Nông thôn) đã tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư vào ngành chăn nuôi 2012.




Tại hội nghị, nhiều chuyên gia trong ngành cho rằng, đầu tư trực tiếp nước ngoài
(FDI) đang đóng vai trò quan trọng vào quá trình phát triển ngành chăn nuôi,
thậm chí ở một vài khâu quan trọng, tầm ảnh hưởng đang nghiêng hẳn về phía các
doanh nghiệp FDI.



Doanh nghiệp FDI áp đảo



Các số liệu từ Cục chăn nuôi cho thấy Việt Nam hiện có 233 nhà máy sản xuất thức
ăn chăn nuôi, trong đó 58 nhà máy (24,9%) thuộc các công ty có vốn đầu tư nước
ngoài (bao gồm cả công ty 100% vốn nước ngoài và các công ty liên doanh) nhưng
sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp quy đổi của 58 nhà máy này chiếm tới 60% tổng sản lượng thức
ăn chăn nuôi công nghiệp quy đổi.



Thị phần thức ăn chăn nuôi công nghiệp của một số công ty nước ngoài hàng đầu
như CP Việt Nam chiếm khoảng 18%, Pronco là 12%, New Hope khoảng 9-10%, Cargill
và Vietnam’s Green Feed khoảng 8% mỗi công ty.



Không chỉ đầu tư mạnh vào lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, các doanh nghiệp có vốn
nước ngoài tập trung sản xuất giống vật nuôi. Ngoài ra, các doanh nghiệp nước
ngoài cũng chiếm khoảng 80% thị phần thuốc thú y trong nước, 20% thị phần còn
lại thuộc các công ty trong nước.



Không chỉ vậy, các công ty nước ngoài hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh
vực chăn nuôi đang chiếm lĩnh thị phần sản phẩm trứng, thịt tại Việt Nam, điển
hình như CP Vietnam chiếm thị phần 50% trứng gà, 30% thịt gà và 7% thịt lợn.



Cục Chăn nuôi đánh giá các công ty có vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực chăn
nuôi đang vượt trội so với các doanh nghiệp trong nước về nhiều lĩnh vực quan
trọng của ngành. Theo Luật Cạnh tranh, thị phần của từng công ty FDI không vượt
quá 30%, tuy nhiên thị phần quan trọng trong các lĩnh vực trọng yếu của ngành
chăn nuôi đang nghiêng về các công ty nước ngoài.



Báo cáo của Cục Chăn nuôi nhấn mạnh nếu Nhà nước không nhanh chóng có những
chính sách hiệu quả để khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp chăn nuôi trong
nước thì tương lai không xa, người tiêu dùng Việt Nam sẽ có thể phải ăn thịt và
trứng nhập khẩu sản xuất ngay trên chính nước mình.



Cần liên kết để lớn mạnh hơn




Trước những con số áp đảo của doanh nghiệp FDI nêu trên, trả lời báo chí bên lề
hội nghị, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết bình quân
trong 10 năm qua, ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi tăng trưởng 13-15%, đóng góp
vào sự tăng trưởng này hầu như đều có mặt của các tập đoàn lớn trên thế giới.
Nhưng ở Việt Nam đang tồn tại vấn đề lớn là giá thức ăn quá cao so với các nước
trong khu vực (trong khi thức ăn chăn nuôi chiếm tới 70% giá thành chăn nuôi).
Nếu tình trạng này kéo dài thì giá thành chăn nuôi không thể hạ xuống được.



Theo ông Dương, việc phụ thuộc quá nhiều vào các doanh nghiệp nước ngoài là do
vấn đề cạnh tranh, trong khi doanh nghiệp Việt Nam còn chưa đủ lớn mạnh. Trong
môi trường đầu tư giống nhau, thời gian qua, các doanh nghiệp nước ngoài đã có
mức tăng trưởng cao hơn các doanh nghiệp Việt Nam.



Chính vì vậy, mặc dù Việt Nam đang có 155 doanh nghiệp chăn nuôi nhưng chỉ chiếm
40% thị phần, còn nước ngoài chỉ có 57 doanh nghiệp lại chiếm 60% thị phần. Điều
cần thiết lúc này là doanh nghiệp trong nước cần liên kết lại với nhau, không
nên đầu tư riêng thức ăn chăn nuôi mà phải sản xuất cả con giống, giết mổ và
phân phối... mới mong đủ sức cạnh tranh trên sân nhà.



Ông Nguyễn Xuân Dương khẳng định nếu tiếp cận từ ngành chăn nuôi theo chuỗi đầu
đến cuối thì có thể thắng lợi.



Để ngành chăn nuôi Việt Nam phát triển ổn định, thu hút các nguồn lực đầu tư xã
hội, tại hội nghị, nhiều đại biểu đã góp ý về vấn đề quy hoạch ngành chăn nuôi
cần làm tốt từ làng, xã đến vùng miền; cần có các chính sách đầu tư hợp lý hơn
và khuyến khích phát triển quy mô lớn, xóa dần chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ.



Ông Trần Tiến, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần CP Vietnam kiến nghị ngoài việc
phát triển chăn nuôi, các doanh nghiệp Việt Nam nên đầu tư mạnh về con giống.




Đại diện Công ty Japfa Comfeed cũng kiến nghị ngành thú y cần hướng dẫn người
chăn nuôi cách phòng dịch, không nên để tình trạng khi có dịch xảy ra mới tiêm
phòng, phun thuốc diệt khuẩn mà phải có biện pháp phòng ngừa từ đầu./.





Theo vietnamplus.vn