Ngày 13/9, Văn phòng đại diện Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) phối
hợp với Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức tọa đàm “Quản lý Nhà nước
trong hoạt động xúc tiến thương mại tại các tỉnh phía Nam.”



Tại tọa đàm, ông Đỗ Thắng Hải, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công
Thương) đánh giá cao sự nỗ lực của các sở, ngành trong việc quản lý hoạt động
xúc tiến thương mại tại địa phương, đề nghị các đơn vị tăng cường phối hợp trong
hoạt động giữa các sở, ngành và giữa các địa phương để hoạt động hiệu quả hơn.



Bên cạnh đó, cơ quan quản lý Nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm
tra, giám sát các chương trình khuyến mại, hội chợ và triển lãm, quảng bá thương
hiệu; hoạt động của các tổ chức xúc tiến trong và ngoài nước nên phải chú ý cân
đối, đảm bảo lợi ích người tiêu dùng, quyền lợi của các thành phần tham gia.



Theo Cục Xúc tiến Thương mại, từ đầu năm đến nay, hoạt động khuyến mại trên
cả nước diễn ra sôi động với nhiều hình thức đa dạng, số lượng các chương trình
và doanh nghiệp thực hiện khuyến mại tăng lên đáng kể. Trong đó, việc quản lý
Nhà nước đối với hoạt động khuyến mại của doanh nghiệp đã từng bước được nâng
cao và hoàn thiện. Người tiêu dùng ngày càng được hưởng lợi ích từ các chính
sách hậu mãi của nhà sản xuất, đơn vị kinh doanh.



Tại Thành phố Hồ Chí Minh, tính đến hết tháng 8/2012, có 7.685 chương trình
khuyến mại được các doanh nghiệp đăng ký và triển khai, vượt cả số lượng chương
trình của cả năm 2011. Bên cạnh đó, hình thức khuyến mại được doanh nghiệp thực
hiện phổ biến gồm tặng phẩm chiếm hơn 50%, giảm giá 24% và các hình thức khác.



Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Khoa, Phó Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí
Minh, cho biết hoạt động khuyến mại hiện nay vẫn còn một số hạn chế trong việc
triển khai của các doanh nghiệp và trong công tác quản lý của các cơ quan chức
năng. Điển hình, mẫu thông báo thực hiện khuyến mại chỉ có địa chỉ trụ sở chính
và địa bàn khuyến mại mà không có địa điểm thực hiện khuyến mại. Có hiện tượng
nâng giá lên rồi thực hiện khuyến mại bằng hình thức giảm giá.



Một số hình thức như tặng phẩm, đưa hàng mẫu và cung ứng dịch vụ mẫu không
phải trả tiền không có giới hạn về thời gian và hạn mức tối đa giá trị dịch vụ
khuyến mại gây khó khăn cho việc kiểm tra, kiểm soát của cơ quan quản lý.



Đại diện Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp cho biết, hầu hết các doanh nghiệp
không chấp hành tốt chế độ thông báo, báo cáo về việc tổ chức thực hiện khuyến
mại, cụ thể chỉ có 50% doanh nghiệp thông báo cho sở đối với các chương trình
khuyến mại do Cục Xúc tiến Thương mại xác nhận, và 38% doanh nghiệp báo cáo sau
đợt khuyến mãi với hình thức bán hàng, cung ứng dịch vụ kèm theo các chương
trình mang tính may rủi./.





Theo vietnamplus.vn