Tại buổi họp giao ban xuất khẩu gạo do Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) tổ
chức ngày 7/9 ở Thành phố Hồ Chí Minh, ông Trương Thanh Phong - Chủ tịch VFA cho
biết, trong tháng 8, các doanh nghiệp ký bán lượng gạo kỷ lục là gần 850.000 tấn
và cũng là tháng các doanh nghiệp ồ ạt giao hàng, dẫn đến kết quả xuất khẩu
tháng 8/2012 lên đến trên 928.000 tấn, tăng 22% so với tháng trước và tăng 33%
so với cùng kỳ.



Những con số trên, theo ông Phong là “điều chưa từng thấy trong lịch sử tiêu
thụ lúa gạo vụ Hè Thu” và hiện các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đang khẩn trương
thực hiện các hợp đồng xuất khẩu đã ký. Với tốc độ xuất khẩu này, chỉ tính
trong 2 tháng 7 và 8, các doanh nghiệp đã ký lượng hợp đồng kỷ lục, tổng cộng
lên đến 1,3 triệu tấn. Sau 8 tháng, Việt Nam đã xuất khẩu 5,1 triệu tấn gạo,
giảm 4% so với cùng kỳ, kim ngạch xuất khẩu (FOB) đạt trên 2,2 tỷ USD, giảm
10,3% so với cùng kỳ; trong đó hợp đồng tập trung tiếp tục giảm mạnh, chỉ chiếm
17,81%, trong khi đó hợp đồng thương mại chiếm ưu thế lớn.



Ông Huỳnh Minh Huệ, Tổng thư ký VFA cho biết, trong 8 tháng qua, Châu Á vẫn
là thị trường lớn nhất của gạo Việt Nam trong 8 tháng qua với trên 1,6 triệu tấn
gạo, sau đó là Châu Phi với 1,2 triệu tấn, trong cơ cấu xuất khẩu, gạo cao cấp
5% tấm và gạo thơm chiếm hơn 55%.



Theo ông Trương Thanh Phong, bên cạnh lượng gạo xuất khẩu, gạo Việt Nam còn
bị “hút” sang ở 2 đầu biên giới phía Bắc và phía Nam. Đối với gạo các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long chở sang Campuchia thì hầu như tất cả đều sang Thái Lan, cao điểm ở cửa
khẩu Tịnh Biên có ngày 5.000 tấn gạo và tấm ở ĐBSCL được chở qua bên kia biên
giới.



Ông Nguyễn Văn Tiến, Giám đốc Công ty xuất nhập khẩu An Giang (Angimex)
cho biết, lượng lúa sang Campuchia khoảng 400.000 tấn, chủ yếu qua biên giới
Tịnh Biên. Ngoài ra, lượng gạo chuyển tải qua cảng Mỹ Thới (cảng đường sông) vừa
qua là 570.000 tấn nhưng trong đó chỉ có 100.000 tấn là dành cho xuất khẩu đi
các thị trường, còn lại 470.000 tấn được chở ra biên giới phía Bắc.



Tuy nhiên, Chủ tịch VFA cho rằng, giá gạo 5% tấm bán qua Campuchia đã lên đến
8.900 đồng/kg, còn gạo tấm cũng vào khoảng 7.600 đồng/kg, giá gạo nguyên liệu để
làm gạo 5% tấm nếu vượt qua 9.000 đồng/kg sẽ khó bán, do vậy lượng gạo chuyên
chở sẽ giảm đi.



Trước diễn biến phức tạp của thị trường gạo trong và ngoài nước, ông Trương
Thanh Phong dự báo, giá gạo xuất khẩu trong thời gian tới có thể tăng tiếp. Vì
vậy các doanh nghiệp không nên ồ ạt ký hợp đồng xuất khẩu, nhất là các hợp đồng
xuất với khối lượng lớn các doanh nghiệp, cần hết sức thận trọng và tỉnh táo.
Đặc biệt, chỉ khi nào doanh nghiệp có trong tay 100% gạo mới ký hợp đồng, không
nên ký xong mới thu gom hàng sẽ dễ gặp rủi ro.



Thời gian tới, Hiệp hội sẽ bàn việc đưa ra giá sàn xuất khẩu, để đảm bảo việc
thương thảo các hợp đồng tập trung với giá bán có lợi cho Việt Nam. Việc lượng
hợp đồng tập trung giảm mạnh, chỉ còn chiếm 17% lượng gạo xuất khẩu là một trong
những nguyên nhân mà giá gạo xuất khẩu bình quân trong 8 tháng đầu năm giảm đến
30 USD/tấn so với năm trước.



Theo khảo sát của VFA, hiện nay người trồng lúa đang phải chịu tới 13-14
khoản thu liên quan đến thuế, phí, trong đó có nhiều khoản thu không hợp lý và
tạo ra nhiều khó khăn cho người trồng lúa. Do vậy, trong tuần tới VFA sẽ có văn
bản kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong đó đề nghị bổ sung
vấn đề hỗ trợ lãi suất vay ngân hàng cho người trồng lúa vào quy chế tạm trữ
lúa, gạo sắp tới trình Chính phủ xem xét./.





Theo vietnamplus.vn