Giá dầu thô thế giới đã tăng hơn 9% trong tháng
8, cho dù tăng trưởng của nhiều nền kinh tế chủ chốt thế giới vẫn ì ạch,
thậm chí một số nước còn chìm sâu trong suy thoái.



Giới phân tích dự đoán giá dầu thô sẽ còn tăng cao hơn nữa và giá dầu ngọt
nhẹ New York có thể trở lại ngưỡng 100 USD/thùng trong tương lai gần, trong bối
cảnh các ngân hàng trung ương được kỳ vọng sẽ sớm đưa ra các chính sách kích
thích kinh tế mới và mối quan ngại nguồn cung dầu mỏ bị gián đoạn vẫn còn.



Thị trường ngóng đợi QE3



Các dự đoán về đợt nới lỏng có định lượng lần III (QE 3) của Cục Dự trữ
Liên bang Mỹ (FED) đã thành hình kể từ khi Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo việc
làm tháng 7 đầy thất vọng trong lĩnh vực phi nông nghiệp.



Biên bản cuộc họp thường kỳ hai ngày (31/7-1/8) của FED công bố sau đó
càng tăng thêm hy vọng rằng QE 3 sẽ sớm xuất hiện khi 'nhiều ủy viên của Ủy ban
Thị trường mở liên bang (FOMC) đánh giá rằng cần có gói kích thích tiền tệ bổ
sung.'



Thêm vào đó, bài phát biểu được hết sức trông đợi từ Chủ tịch FED, Ben
Bernanke, trong cuộc họp thường niên của thống đốc các ngân hàng trung ương tại
Jackson Hole, Wyoming (Mỹ cuối tháng 8 càng khẳng định FED sẽ sớm tung ra QE3
trong ngắn hạn.



Tại cuộc họp, ông Bernanke tuyên bố để ngỏ khả năng tiếp tục bổ
sung các gói kích thích kinh tế nhằm đưa nền kinh tế lớn nhất thế giới thoát
khỏi tình trạng khó khăn hiện nay.



Ông John Praveen, nhà chiến lược đầu tư trưởng của Prudential
International Investments Advisers nhận định giờ đây chắc chắn là FED sẽ tung ra
QE3, chỉ có điều là khi nào: ngay trong tháng 9 hay ở một thời điểm nào đó trong
quý IV.



Theo ông Raymond Carbone, chủ tịch công ty môi giới dầu mỏ Paramount
Options, kinh nghiệm từ hai đợt QE trước cho thấy giá hàng hóa tăng mạnh nếu FED
tung ra các chính sách kích thích kinh tế mới. Không những thế, Ngân hàng Trung
ương châu Âu cũng có thể đưa ra các chính sách thúc đẩy kinh tế mới, nhân tố sẽ
góp phần đẩy giá dầu lên cao hơn.



Sức nặng Iran



Gần đây các quan ngại về nguồn cung, trong đó có sự sụt giảm sản lượng từ
Biển Bắc do hoạt động bảo dưỡng định kỳ, cơn bão nhiệt đới Isaac đổ bộ vào Vịnh Mexico và căng thẳng địa chính trị, được coi là những nhân tố chính hỗ trợ giá
dầu đi lên.



Tuy nhiên, nhân tố có 'trọng lượng nhất' lại là Iran. Lệnh cấm vận dầu mỏ
mà Liên minh châu Âu (EU) áp đặt với Iran bắt đầu có hiệu lực từ 1/7 đã khởi
động cho đợt tăng giá của dầu thô sau hai tháng liên tục đi xuống.



Theo ước tính của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), lệnh cấm vận của EU sẽ
làm nguồn cung dầu hàng ngày từ Iran cho thị trường thế giới giảm khoảng 1 triệu
thùng.



Số liệu thống kê của Ngân hàng BNP Paribas cũng cho thấy hiện Iran đang
sản xuất 2,9 triệu thùng dầu/ngày, thấp hơn nhiều so với sản lượng 3,4 triệu
thùng/ngày hồi tháng 1 năm nay.



Hai chiến lược gia dầu mỏ Harry Tchilinguirian và Gareth Lewis-Davies từ
BNP Paribas cho biết, do Iran đã để tuột ngôi vị nhà sản xuất dầu mỏ lớn thứ hai
trong Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) vào tay Iraq, nên rất khó dự đoán
liệu Tehran có 'ngồi yên' khi lượng dầu khai thác được ngày càng dư thừa bởi
lệnh cấm vận.



Giới phân tích càng thêm lo ngại Iran có thể bị tấn công quân sự sau khi
có tin nước này đang chuẩn bị mở rộng chương trình làm giàu urani. Theo ông
Carbone, một khi xảy ra hành động quân sự chống lại Iran, giá dầu ngọt nhẹ của
Mỹ có thể dễ dàng leo trở lại mức ba chữ số.



Không riêng Iran, nguy cơ căng thẳng địa chính trị toàn cầu gia tăng không
phải là nhỏ. Từ đó xuất hiện các quan ngại nguồn cung sẽ bị gián đoạn từ các
nước ngoài OPEC như Syria, Yemen và Sudan. Hay các nước thành viên OPEC như
Libya, Nigeria và Iraq không hề 'miễn dịch' trước sự bất ổn trong nước, nhân tố
thường xuyên đe dọa nguồn cung.



Cơ hội giảm không nhiều



Ông Carbone cho rằng có nhiều nhân tố đẩy giá dầu lên, trong khi các cơ
hội kéo giá dầu đi xuống lại không nhiều. Gần đây thông tin về việc nhiều nước
mở kho dự trữ dầu mỏ chiến lược đã thu hút sự quan tâm của thị trường bởi động
thái đó có thể chặn lại đà tăng của giá dầu.



Các bộ trưởng tài chính nhóm G-7 tuần qua cũng bày tỏ quan ngại trước việc
giá dầu đang gia tăng và khẳng định có thể kêu gọi các nước 'giải phóng' dầu từ
kho dự trữ chiến lược để đối phó với sự sụt giảm xuất khẩu dầu mỏ của Iran.



Tuy nhiên, ông Maria Van Hoeven, Tổng giám đốc IEA, tổ chức giám sát dự
trữ dầu mỏ của 28 nước phương Tây, lại cứ khăng khăng rằng chưa cần phải xuất
dầu từ kho dự trữ chiến lược. Ngoài ra, một số nước châu Âu như Đức hay Italy
cũng phản đối ý tưởng xuất dầu từ kho dự trữ chiến lược.



Theo ông Carbone, xuất dầu từ kho dự trữ chiến lược không phải là ý tưởng
thông minh bởi động thái đó hầu như không thể làm thay đổi giá dầu, mà lại hạn
chế sự linh hoạt của thị trường. Trong khi Nhà Trắng còn đang cân nhắc đề xuất
xuất dầu từ kho dự trữ dầu mỏ chiến lược, giới phân tích lại tin rằng còn phải
tốn nhiều thời gian mới ra được quyết định.



Nhưng dù sao cũng còn có các nhân tố có thể kéo giá dầu xuống. Đó là bất
cứ tin xấu nào về diễn biến cuộc khủng hoảng nợ công ở Eurozone và tăng trưởng
kinh tế Trung Quốc.



Hơn nữa, mùa du lịch hè cũng sắp kết thúc và ông Carbone chỉ rõ sau ngày
nghỉ lễ Lao động (3/9) ở Mỹ nhu cầu dầu mỏ thường có xu hướng giảm, nhân tố sẽ
góp phần kéo giá dầu đi xuống./.





Theo vietnamplus.vn