Hàng hóa Tết năm nay sẽ phong phú (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)


Chỉ còn gần một tháng nữa sẽ đến Tết Nguyên đán Ất Mùi. Theo lãnh đạo Sở Công Thương Thành phố Hà Nội, hiện nguồn dự trữ các mặt hàng thiết yếu đã được chuẩn bị sẵn sàng, đáp ứng đủ cho nhu cầu của người dân.



Báo cáo tại buổi làm việc giữa 'Bộ Công Thương và thành phố Hà Nội về dự trữ hàng hóa Tết' sáng 21/1, tại Hà Nội, bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, đến thời điểm này, các doanh nghiệp của thành phố đã dự trữ hàng hóa Tết với mức tăng từ 10-15% so với năm ngoái, dự báo giá cả sẽ không biến động nhiều.



Theo bà Lan, nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm, Sở Công Thương Hà Nội đã có kế hoạch tổ chức 600 điểm bán hàng bình ổn giá, 200 chuyến hàng lưu động, đưa hàng thiết yếu về khu vực nông thôn, khu công nghiệp, khu chế xuất.



Bà Lan cho biết, để tránh tình trạng khan hàng, sốt giá dịp Tết, từ đầu tháng 10/2014, Sở Công Thương Hà Nội đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn Thủ đô báo cáo phương án chuẩn bị nguồn hàng, tập trung vào các sản phẩm thiết yếu như: lương thực, thực phẩm, bánh mứt kẹo, quần áo...



Thêm vào đó, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cũng tạm ứng hơn 276 tỉ đồng để giúp các doanh nghiệp dự trữ hàng bình ổn giá, tập trung vào 7 nhóm hàng thiết yếu như: gạo trắng, thịt lợn, thịt gà, vịt, trứng gia cầm, thủy hải sản đông lạnh, dầu ăn, rau củ.



'Với khả năng sản xuất, kinh doanh như vậy, hàng hóa sẽ cơ bản đáp ứng được nhu cầu mua sắm và tiêu dùng của nhân dân Thủ đô trong dịp Tết Âm lịch,' bà Lan nói.



Đến thời điểm này, các doanh nghiệp lớn cũng đẩy mạnh việc dự trữ hàng hóa, ông Nguyễn Tiến Vượng, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho biết, doanh nghiệp đã đặt cọc và ký kết đặt hàng tại nguồn hàng các địa phương để đảm bảo giá đầu vào, góp phần bình ổn giá trong dịp Tết.



Tổng công ty đã tổ chức 150 điểm bán hàng cố định thuộc hệ thống siêu thị Hapromart và từ ngày 5/2 đến 16/2, Hapro tiếp tục tổ chức 80 gian hàng Tết ngoài trời. Đặc biệt, từ 10/2 đến 14/2, tại một số huyện trên địa bàn Hà Nội, Hapro sẽ tổ chức 3 điểm bán hàng theo mô hình “Chợ Tết” với sự tham gia của các công ty, đơn vị thành viên.



Công ty cổ phần sản xuất dịch vụ và thương mại An Việt, chuyên kinh doanh thực phẩm và hàng hóa tiêu dùng cũng đã có nhiều phương án nhằm đảm bảo nguồn cung các mặt hàng tươi sống cho khu vực Hà Nội.



Theo lãnh đạo Công ty An Việt, mỗi ngày công ty đưa ra thị trường từ 150.000-200.000 quả trứng gia cầm và liên kết với các tỉnh lân cận chuyển về Hà Nội mỗi tháng 10 tấn rau xanh.



Các mặt hàng đều được kiểm tra chất lượng trước khi đưa ra thị trường (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)


Theo đánh giá của Bộ Công Thương, việc chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết của Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội đến thời điểm này là rất tốt. Ngay cả người dân khu vực ngoại thành cũng được hưởng lợi nhiều từ các chính sách hỗ trợ của nhà nước nhờ lượng hàng hóa dồi dào, ít biến động về giá.



Tuy nhiên, phát biểu tại buổi họp, thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng lưu ý thành phố Hà Nội cần quan tâm nhiều hơn đến công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường không để hàng giả, hàng lậu có cơ hội hoành hành, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.



Thứ trưởng cũng lưu ý, Sở Công Thương Hà Nội cần có các phương án đảm bảo đủ nguồn cung hàng hóa không chỉ trước Tết mà cả dịp trong và sau Tết cũng phải dồi dào, tránh tính trạng thiếu hàng gây sốt giá ảo./.


Theo vietnamplus.vn