Lãnh đạo Tập đoàn Dệt may Việt Nam họp thông báo kết quả sản xuất kinh doanh năm 2014 (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)


Theo ông Trần Việt, Trưởng Ban thị trường Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), dù chưa được ký kết nhưng hiệu ứng tích cực từ các hiệp định thương mại tự do như TPP (với Mỹ và Nhật Bản), FTA với EU, Hàn Quốc, Liên minh Hải quan Nga-Belarus-Kazakhstan đã tạo ra sức hút lớn trong việc chuyển dịch các đơn hàng dệt may sang phía Việt Nam.



Đến thời điểm này, phần lớn các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam đã có đơn hàng đến hết quý 2/2015 và đây là tiền đề để ngành dệt may đặt mục tiêu xuất khẩu năm 2015 đạt từ 28-28,4 tỷ USD, tăng khoảng 16% so với năm 2014.



Làm rõ hơn về kết quả sản xuất kinh doanh năm 2014, do Tập đoàn Dệt may Việt Nam tổ chức chiều 16/1, tại Hà Nội, ông Trần Việt cho biết, năm 2014 dù thị trường nhập khẩu dệt may thế giới không tăng trưởng nhiều, nhưng xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang Mỹ vẫn tăng 12,6%, sang EU tăng 16,9% và sang Nhật Bản tăng 8,8%.



Đặc biệt, năm 2014 xuất khẩu dệt may của Việt Nam vươn lên vị trí thứ 2 tại thị trường Nhật Bản, chỉ sau Trung Quốc. Điều này cho thấy dệt may Việt Nam không chỉ cạnh tranh tốt mà còn có sức hấp dẫn rất lớn đối với khách hàng nước ngoài.



Về nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, đại diện Vinatex cho biết, trong những năm qua nhờ chuyển đổi dần mô hình sản xuất từ CM (gia công) sang ODM (tự thiết kế, sản xuất), đồng thời chủ động hình thành chuỗi cung ứng dệt may, nhờ đó lượng hàng ODM xuất khẩu năm 2014 đã tăng 10% so với năm 2013 và dự kiến tiếp tục tăng vượt bậc trong những năm tiếp theo.



'Năm 2015 là năm chuyển động tích cực để chuỗi cung ứng được hoàn thiện, củng cố chặt chẽ hơn mối liên kết giữa các doanh nghiệp trong Tập đoàn trong chuỗi này. Với quy hoạch từ Tập đoàn, các doanh nghiệp sẽ tạo ra chuỗi liên kết từ ba miền Bắc - Trung - Nam,' ông Trần Việt cho biết.



Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: TTXVN)


Tại buổi họp, lãnh đạo Tập đoàn Dệt may Việt Nam cũng cho biết, sản phẩm dệt May Việt Nam cũng đã có những bứt phá ở thị trường trong nước. Doanh thu may mặc nội địa của Vinatex tăng khoảng 10% so với năm 2013, ước đạt hơn 22.000 tỷ đồng, chiếm hơn 30% nhu cầu hàng may mặc của toàn thị trường.



Với vị trí là đơn vị đầu tàu dẫn dắt ngành dệt may cả nước, Vinatex đang đẩy mạnh việc mở rộng hệ thống phân phối sản phẩm trên toàn quốc. Năm 2013, tổng số cửa hàng, đại lý trên toàn quốc của các đơn vị thành viên Vinatex đạt 4.125 cửa hàng, tăng 4% so với 2012, sang năm 2014, đã tăng 3,9% đạt tổng số 4.286 cửa hàng.



Toàn Tập đoàn cũng đề ra mục tiêu tăng tỷ lệ nội địa hóa lên con số 60% vào năm 2015, đồng thời đưa doanh thu thị trường nội địa tăng trưởng 15-20% trong những năm tiếp theo.



Báo cáo về sản xuất kinh doanh năm 2014 cho thấy, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam đạt 24,5 tỷ USD, tăng trưởng 19% so với năm 2013 và từ ngày 1/2/2015, Vinatex sẽ chính thức hoạt động theo mô hình cổ phần./.




Theo vietnamplus.vn