Ảnh minh họa (Nguồn: AFP)


Sau khi chuyến bay chở khách của hãng hàng không AirAsia mã hiệu QZ8501 gặp nạn, một số chuyên gia ngành hàng không nhận định: Vụ tai nạn của QZ8501 sẽ không làm thay đổi xu hướng phát triển của hàng không giá rẻ.



Xét về lâu dài, nhu cầu lớn về hàng không giá rẻ sẽ khiến lĩnh vực này tiếp tục phát triển phồn thịnh.
Lấy tuyến bay từ Surabaya (thành phố lớn thứ hai Indonesia) đến Singapore của chuyến bay QZ8501 làm ví dụ: Giá vé rẻ nhất chỉ có 28 USD. Đối với hành trình bay không đủ một tiếng đồng hồ của AirAsia, vé thường được bán với giá thấp hơn 100 USD.



Đối với Indonesia, quốc gia có GDP bình quân đầu người chưa đến 3.500 USD, nơi mà việc xây dựng cơ sở hạ tầng đường giao thông còn yếu kém, thì sức hấp dẫn của hàng không giá rẻ rất nổi bật.



Một trong những nguyên nhân khiến hàng không giá rẻ phát triển nhanh là nhờ sự sáng tạo đổi mới về mô hình và cách thức hoạt động.



Kể từ năm 2001, AirAsia đã đưa ra phương thức tiếp thị với giá vé thấp hơn 1 ringgit, nhanh chóng chiếm thị phần nội địa của Malaysia. Sau năm 2003, để tiếp tục phát triển thị trường châu Á - Thái Bình Dương, AirAsia lại mở rộng thị trường tại các nước Thái Lan, Indonesia, Philippines, Nhật Bản, Ấn Độ... thông qua mô hình liên doanh theo hình thức nắm giữ cổ phần nhỏ.



Theo “Niên giám hàng không thế giới năm 2014”, Đông Nam Á là một trong những thị trường tăng trưởng nhanh nhất của ngành hàng không toàn cầu, trong đó hàng không giá rẻ được xếp hàng đầu, chiếm gần 60% lưu lượng giao thông hàng không của khu vực này.



Thành công của AirAsia đã dẫn đến sự thay đổi của hàng loạt hãng hàng không, khiến không phận Đông Nam Á trở nên ngày càng chen chúc. Với mục đích giành lấy thị phần, các hãng hàng không giá rẻ châu Á liên tục mở thêm đường bay và tăng số lượng chuyến bay.



Theo một giáo sư Đại học công lập Singapore, “hiện năng lực vận chuyển dư thừa nghiêm trọng là rủi ro tiềm ẩn lớn nhất của ngành hàng không giá rẻ châu Á đang trên đà phát triển thần tốc.”



Một nhà sáng lập kiêm nhà phân tích hàng đầu của một công ty phân tích Malaysia cho rằng, cho dù năng lực vận chuyển của ngành hàng không Đông Nam Á tăng trưởng nhanh chóng, song xây dựng cơ sở hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực chuyên môn lại tụt hậu.



Nhà phân tích trên cho rằng, sau mỗi một vụ tai nạn máy bay, doanh thu và lượng vé đặt mua của ngành hàng không đều bị tác động phần nào trong thời gian ngắn. Song xét ở Đông Nam Á nói riêng và cả khu vực châu Á nói chung - nơi có nhu cầu lớn đối với hàng không giá rẻ, hẳn tai nạn của chuyến bay chở khách QZ8501 sẽ không gây tác động nghiêm trọng đối với ngành hàng không giá rẻ./.


Theo vietnamplus.vn