Vấn nạn hàng giả, hàng nhái đang diễn ra ngày một phức tạp và tinh vi, điều này không chỉ làm tổn hại đến uy tín của doanh nghiệp chân chính mà bản thân người tiêu dùng cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Theo thống kê của Cục Quản lý thị trường, mỗi năm lực lượng này xử phạt hàng nghìn vụ hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, tuy nhiên để triệt tận gốc thì vẫn còn nhiều thách thức.

Để có một cách nhìn đa chiều về vấn nạn hàng giả, hàng nhái, phóng viên VietnamPlus đã phỏng vấn bà Trần Thị Ngọc Bích, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hương Sen để thấy được những khó khăn và thách thức của doanh nghiệp trong việc đấu tranh và bảo vệ thương hiệu của doanh nghiệp mình.

- Hiện nay hàng giả, hàng nhái đang diễn ra hết sức phức tạp, dưới góc độ doanh nghiệp, bà có đánh giá thế nào về vấn đề này nhất là trong lĩnh vực nước giải khát?

Bà Trần Thị Ngọc Bích: Những năm gần đây, khi nền kinh tế ngày càng phát triển thì nhu cầu tiêu dùng của người tiêu dùng cũng ngày càng lớn. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đã phát triển để đáp ứng các yêu cầu về hàng tiêu dùng cho xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt hàng có chất lượng thì tình trạng hàng giả, háng nhái cũng diễn biến phức tạp, len lỏi song song với hàng thật từ đó gây nhiều ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Tôi có thể lấy một ví dụ, một sản phẩm đưa ra thị trường, đã có chỗ đứng và được nhiều người tiêu dùng sử dụng thì cũng phát sinh ra nhiều hàng nhái. Việc làm hàng nhái ngày càng tinh vi, thường bắt chước hình ảnh gần giống với sản phẩm đã có trên thị trường làm cho khách hàng và người tiêu dùng nhầm lẫn giữa sản phẩm chất lượng tốt với sản phẩm chất lượng kém.

Điều này theo tôi các doanh nghiệp chân chính cũng bị nhiều thiệt hại, cả về thị phần lẫn uy tín, bởi nhiều người tiêu dùng nhầm lẫn, không phân biệt được đâu là hàng thật, đâu là hàng giả, dẫn đến việc sử dụng hàng giả nhưng cứ tưởng hàng thật làm cho uy tín của hàng thật bị giảm.

Thiệt hại lớn hơn là của người tiêu dùng, bởi hàng nhái chất lượng kém, giá rẻ sẽ làm tổn hại đến sức khỏe, vì vậy ở góc độ doanh nghiệp chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng phải vào cuộc, trong đó cơ quan quản lý vệ sinh thực phẩm phải đặt ra được những mục tiêu, tiêu chí cho từng loại sản phẩm, ngành hàng để đạt được cấp độ nào thì mới có thể được cấp giấy chứng nhận trước khi đưa ra thị trường.

Một thực tế nữa là hiện nay, hàng giả, hàng nhái còn được đưa vào thị trường từ nguồn nhập khẩu do vậy về mặt luật pháp, theo tôi cũng nên có những quy định rõ nét hơn để xử lý hàng giả, hàng nhái.

Ngoài ra, sự vào cuộc của các cơ quan truyền thông cũng góp phần nâng cao ý thức của người tiêu dùng cũng như đẩy lùi được hàng giả, hàng nhái.

- Bà vừa nói đến vấn đề hàng nhái hiện vẫn chưa có những quy định cụ thể để ngăn chặn, vậy ở góc độ doanh nghiệp bà có thể nói một cách cụ thể hơn, mức độ như thế nào?

Bà Trần Thị Ngọc Bích: Thực ra hàng giả thì các cơ quan chức năng và doanh nghiệp có thể làm dễ hơn nhưng còn hàng nhái thì thực sự đến thời điểm này như tôi được biết chúng ta vẫn chưa có luật nào nói rõ về vấn đề này, cho nên đây cũng là một kẽ hở để hàng nhái trà trộn vào gây ảnh hưởng cho người tiêu dùng.

Đơn cử như sản phẩm nước chanh leo Pushmax của Đại Việt, mặc dù được bán rộng rãi trên thị trường và được người tiêu dùng đánh giá cao, nhưng hiện tại đã xuất hiện sản phẩm nhái, bắt chước kiểu dáng sản phẩm của công ty để bán ra thị trường.

Việc phân biệt hàng nhái rất khó, nếu nhìn gần và quan sát kỹ mới có thể phát hiện ra, nhưng nhìn từ xa thì từ màu sắc, hình logo thì trông khá giống, thậm chí khi để nguyên thùng 24 lon thì rất khó phân biệt được.

Trong khi đó, người tiêu dùng chỉ nhận biết được sản phẩm thông qua màu sắc và không hiểu kỹ tên sản phẩm nên không nhớ để lựa chọn, với màu sắc giống nhau thì mua, chính vì vậy đã gây ra nhầm lẫn.

Từ thực tế trên, nếu cơ quan chức năng vào cuộc và có những quy định rõ ràng hơn về kiểu dáng, mẫu mã sẽ góp phần giảm thiểu nạn hàng nhái.

Hiện trên thị trường có nhiều sản phẩm chất lượng kém, thậm chí là không rõ nguồn gốc xuất xứ rất cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng. Nếu một năm chúng ta chi rất nhiều tiền cho lĩnh vực y tế thì việc ngăn chặn từ xa như vậy sẽ góp phần bảo vệ sức khỏe của cộng đồng.