Chỉ đạo Hội nghị Công tác cân đối cung cầu, bình ổn thị trường dịp tết dương lịch và tết Nguyên đán Bính thân 2016, do Ủy ban thành phố Hà Nội tổ chức sáng nay (17/12), Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Tuấn ​đề nghị các doanh nghiệp ​phải làm tốt công tác dự trữ hàng hóa phục vụ nhu cầu người dân trong dịp tết Nguyên đán Bính Thân 2016 sắp tới.

Đặc biệt, lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội yêu cầu, không để tình trạng khan hàng, sốt giá, tự ý nâng giá cũng như không để hàng hóa kém chất lượng, không có nguồn gốc xuất xứ lọt vào các điểm bán hàng bình ổn giá.

Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, dự báo tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ tại Hà Nội trong tháng Tết Bính Thân 2016 tăng khoảng 10-15% so với các tháng trong năm (tăng 20% so với tết Nguyên đán Ất Mùi 2015).

Chính vì vậy, việc chuẩn bị có đủ nguồn hàng nhằm đảm bảo bình ổn thị trường trước trong và sau Tết là yêu cầu mà thành phố Hà Nội đặc biệt coi trọng.

Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh, dịp cuối năm nhu cầu hàng hóa sẽ tăng cao và đòi hỏi phải có sự chuẩn bị kỹ của các doanh nghiệp thương mại và sản xuất.

"Chương trình bình ổn giá không chỉ bó hẹp tại các quận nội thị mà cần triển khai tại các huyện, vùng sâu vùng xa, hàng hóa làm sao phải đủ và có chất lượng," Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Tuấn nói.
Lo ngại của lãnh đạo thành phố Hà Nội hoàn toàn có cơ sở bởi số lượng bắt giữ về hàng giả, hàng lậu, hàng mất An toàn vệ sinh thực phẩm không ngừng tăng lên.

Tính đến hết tháng 11, riêng lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra 8.409 vụ, xử lý 7.842 vụ bao gồm hàng cấm, hàng lậu là 1.491 vụ; hàng vi phạm sở hữu trí tuệ 1.086 vụ, vi phạm về An toàn thực phẩm là 1.207 vụ... tổng số tiền thu nộp là 110,3 tỷ đồng.

Nhiều vụ bắt giữ với số lượng lên đến hàng tấn thực phẩm không rõ nguồn gốc, thậm chí là hàng quá hạn sử dụng và đang bốc mùi hôi thối nhưng vấn được các gian thương tìm cách đưa vào Hà Nội tiêu thụ.

Theo ông Chu Xuân Kiên, Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, trong dịp cuối năm, lượng hàng hóa chuẩn bị cho Tết được đưa về Hà Nội rất lớn, trong đó lượng hàng giả, hàng nhái, hàng mất vệ sinh An toàn thực phẩm cũng được phát hiện với số lượng lớn.

Chính vì vậy, lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo các lực lượng liên ngành của thành phố tăng cường các giải pháp để kiểm soát An toàn vệ sinh thực phẩm, theo đó từ nay đến tết sẽ rà soát cá cơ sở sản xuất kinh doanh để loại bỏ những doanh nghiệp là ăn bất chính.

"Lực lượng Quản lý thị trường sẽ có qui chế rõ ràng, nếu doanh nghiệp nào làm tốt sẽ tích điểm và thông tin rộng rãi cho người tiêu dùng, còn ngược lại sẽ kiên quyết xử lý," ông Chu Xuân Kiên nói.

Lực lượng QLTT Hà Nội tăng cường các giải pháp kiểm soát thị trường (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Trước ​những yêu cầu trên, ​việc tham gia của các doanh nghiệp ​lớn được cho là một giải pháp quan trọng trong việc bình ổn thị trường cũng như loại bỏ những mặt hàng kém chất lượng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Ước tính của Ủy ban thành phố Hà Nội, hiện các doanh nghiệp kinh doanh thương mại đã dự trữ các mặt hàng bình ổn thị trường và các nhóm hàng phục vụ Tết với tổng giá trị lên trên 12.780 tỷ đồng gồm thịt, trứng gia cầm, rau củ quả, thủy hải sản...

Tuy nhiên, với địa bàn nông thôn và các huyện ngoại thành, để ngăn chặn hàng gian, hàng giả, theo ông Nguyễn Hồng Lâm, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Quốc Oai, các doanh nghiệp tham gia chương trình bỉnh ổn thị trường cần kiểm soát tốt nguồn nguyên liệu đầu vào, đảm bảo An toàn vệ sinh thực phẩm.

Một khía cạnh nữa cũng được vị lãnh đạo này đề cập tới đó là việc huy động mọi nguồn lực của địa phương vào chuỗi cung ứng của thành phố, trong đó cần có sự kết nối giữa các doanh nghiệp thương mại với người dân để tiêu thụ các sản phẩm như trứng gia cầm, gà thịt.../.