Trong phiên giao dịch ngày 16/12, giá dầu thế giới chạm đáy mới của nhiều năm qua, sau khi báo cáo mới nhất từ Bộ Năng lượng Mỹ (DoE) cho thấy dự trữ dầu thô của nền kinh tế số 1 thế giới tăng mạnh trong tuần trước, đồng thời nguồn cung các chế phẩm dầu mỏ cũng có xu hướng đi lên.

Kết thúc phiên này, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ giao tháng 1/2016 giảm 1,83 USD xuống 35,52 USD/thùng, mức đóng cửa thấp nhất kể từ tháng 2/2009. Trong khi đó, tại thị trường London của Anh, giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn cũng hạ 1,26 USD, xuống 37,19 USD/thùng.

Báo cáo của DoE cho hay dự trữ dầu thô của Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 11/12 tăng 4,8 triệu thùng, trong khi nguồn cung xăng và các chế phẩm chưng cất cũng đồng loạt tăng.

Thông tin này tạo thêm không khí ảm đạm cho thị trường năng lượng, vốn liên tục chứng kiến đà đi xuống trong thời gian qua do tình trạng dôi dư nguồn cung trên toàn cầu.

"Vàng đen" còn chịu sức ép giảm sâu hơn sau khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) quyết định giữ nguyên sản lượng tại cuộc họp chính sách mới nhất diễn ra hồi đầu tháng 12 nhằm duy trì thị phần.

Đúng như dự đoán, vào rạng sáng nay (giờ Việt Nam), Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã chính thức quyết định nâng lãi suất lần đầu tiên trong gần một thập niên thêm 0,25 điểm phần trăm lên 0,25-0,5% với nhận định các điều kiện trên thị trường lao động Mỹ đã được cải thiện đáng kể trong năm nay và bày tỏ tin tưởng rằng lạm phát trong thời gian trung hạn sẽ tăng lên mức mục tiêu 2%.

Động thái này của Fed cũng phần nào tác động tiêu cực tới thị trường dầu mỏ bởi việc nâng lãi suất sẽ giúp đồng USD mạnh lên, khiến các mặt hàng được định giá bằng đồng tiền này như dầu mỏ trở nên đắt đỏ hơn trên thị trường quốc tế.

Tuy nhiên, trong buổi họp báo ngày 16/12, Chủ tịch Fed Janet Yellen dự đoán rằng giá dầu mỏ thế giới sẽ bình ổn trở lại./.