Ảnh chỉ mang tính minh họa (Nguồn: TTXVN)


Năm 2014 đã khép lại với nhiều thành tích nổi bật của ngành công thương. Theo đó, xuất khẩu đạt con số cao nhất từ trước đến nay, giúp thặng dư thương mại năm thứ ba liên tiếp.



Xuất siêu gần 2 tỷ USD



Báo cáo tại Hội nghị triển khai công tác năm 2015 do Bộ Công Thương tổ chức sáng 31/12, thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú cho biết, tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2014 ước đạt 150 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2013.



Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 148 tỷ USD, tăng 12,1% so với năm trước. Trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 84,5 tỷ USD, tăng 13,6%; khu vực kinh tế trong nước đạt 63,5 tỷ USD, tăng 10,2%.



Cũng theo thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú, năm nay có 23 mặt hàng xuất khẩu đạt 1 tỷ USD trở lên, trong đó điện thoại di động tiếp tục dẫn đầu với 24 tỷ USD, tiếp đến là dệt may đem về hơn 20 tỷ USD...



Về cơ cấu hàng hóa nhập khẩu, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước tính đạt 135 tỷ USD, tăng 12,5% so với năm 2013. Đây vẫn là nhóm hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất với 91,2%, trong đó nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ, phương tiện vận tải, phụ tùng đạt 55,6 tỷ USD, tăng 10,1% và chiếm 37,6%.



Có thể thấy, sự tăng nhanh của xuất khẩu và tăng chậm của nhập khẩu đã giúp cán cân thương mại giữ trạng thái dương trong 3 năm qua.



Đáng chú ý, Việt Nam vẫn phải nhập siêu lớn từ Trung Quốc với kim ngạch ước tính lên tới 28,9 tỷ USD, tăng 21,8% so với năm trước.



Như vậy, đây sẽ là năm thứ ba liên tiếp kể từ sau khi gia nhập WTO năm 2007, Việt Nam xuất siêu (năm 2012 xuất siêu 749 triệu USD, năm 2013 xuất siêu 300.000 USD và năm 2014 ước xuất siêu gần 2 tỷ USD).



Ảnh chỉ mang tính minh họa (Nguồn: TTXVN)


Năm 2015 có thể nhập siêu 6 tỷ USD



Đánh giá về xuất nhập khẩu, thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú cho hay, nền tảng cho sự phát triển trên có sự góp phần không nhỏ của lĩnh vực công nghiệp nhất là công nghiệp chế biến.



Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp cả năm 2014 tăng 7,6% (cao hơn nhiều so với mức tăng 5,9% của năm 2013). Riêng ngành công nghiệp tăng 7,15% so với năm trước.



'Tính chung cả năm 2014, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 7,6% so với năm 2013,' thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú nói.



Cũng theo thứ trưởng, cơ cấu các nhóm hàng xuất khẩu của Việt Nam có những chuyển dịch tích cực, đơn cử nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm tỷ trọng cao nhất 73,5% (tăng 1,6% so với cùng kỳ), theo sau lần lượt là nhóm hàng nông sản, thủy sản 14,8% (giảm 1%) và nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản 6% (giảm 1,2%).



Tuy nhiên, tại Hội nghị, lãnh đạo Bộ Công Thương cũng chỉ ra những hạn chế, cụ thể là tăng trưởng xuất khẩu cao vẫn chủ yếu ở những nhóm mặt hàng do khối các doanh nghiệp FDI sản xuất và là những mặt hàng dựa vào việc sử dụng nhân công giá rẻ cũng như chủ yếu làm gia công hơn là những mặt hàng có giá trị gia tăng cao.



'Tỷ lệ nhập khẩu lớn về nguyên, nhiên liệu, nhất là nguyên liệu gia công sản xuất... thể hiện tính gia công trong ngành còn lớn, còn phụ thuộc nhiều vào thị trường cung cấp ở nước ngoài, làm cho nền kinh tế gặp bất lợi mỗi khi giá cả thế giới biến động tăng, làm tăng chi phí sản xuất trong nước, giảm khả năng cạnh tranh của hàng hoá xuất khẩu,' thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú nói.



Để góp phần đạt tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước năm 2015 khoảng 6,2%, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, tổng kim ngạch xuất khẩu có thể đạt khoảng 165 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2014, trong khi tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 171 tỷ USD, tăng 15,2% so với năm 2014. Như vậy, năm 2015 cả nước có thể nhập siêu khoảng 6 tỷ USD.



Phân tích lý do trên, theo lãnh đạo Bộ Công Thương, nhập siêu trong năm 2015 xuất phát từ nhiều nguyên nhân nhưng quan trọng nhất vẫn là hàng loạt các hiệp định thương mại tự do sắp được ký kết nên Việt Nam đang trở thành nước có sức hút đối với nhiều dự án đầu tư nước ngoài, do đó việc nhập khẩu các thiết bị, máy móc và nguyên phụ liệu cho các dự án này rất lớn, chắc chắn sẽ đẩy kim ngạch nhập khẩu lên cao.



Tuy nhiên, để kiểm soát tốt các mặt hàng nhập khẩu, Bộ Công Thương đã đề ra nhiều giải pháp, trong đó sẽ tăng cường công tác rà soát từng nhóm mặt hàng, trên cơ sở đó có những điều hành phù hợp với các cam kết thương mại cũng như góp phần khôi phục và thúc đẩy sản xuất trong nước, giúp các doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh./.


Theo vietnamplus.vn