Người tiêu dùng mua sắm tại Co.op mart Phú Thọ-TP.HCM. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)


Giá xăng liên tiếp giảm mạnh trong thời gian qua đã khiến người tiêu dùng vui mừng, với hy vọng không chỉ giá vận tải mà cả giá tiêu dùng, hàng thiết yếu cũng sẽ đồng loạt giảm theo.



Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy, mặc dù các doanh nghiệp vận tải, bến xe đã có kế hoạch giảm giá, các mặt hàng tiêu dùng vẫn “án binh bất động.”



Doanh nghiệp vận tải giảm cước



Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho hay, thời gian qua, giá xăng dầu đã tới “đáy” là tín hiệu đáng mừng đối với người dân và các doanh nghiệp vận tải.



Hiệp hội kiến nghị với các thành viên, đơn vị trước đây đã điều chỉnh giá cước theo giá xăng dầu và các yếu tố phát sinh khác như phí bảo trì đường bộ, phí sử dụng đường bộ, phí kiểm định, phí bảo hiểm, tiền lương, vật tư, phí sửa chữa, đầy tư thiết bị GPS, phí duy trì tín hiệu, tăng thêm nhân lực..., cần cân đối các yếu tố cấu thành giá cước để điều chỉnh giá cước cho phù hợp với việc giá xăng dầu đã giảm, các doanh nghiệp cần cố gắng hoàn thành việc giảm giá trước ngày 15/1/2015.



Đồng thời, theo thông tin từ Hiệp hội Vận tải Hà Nội, trong các ngày nghỉ Tết Dương lịch, các đơn vị cũng không tăng giá cước, trừ các trường hợp xe chạy tăng cường trả khách một chiều.



Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh cũng cho rằng, với mức giảm giá xăng kỷ lục hơn 2.000 đồng/lít, cước vận tải chắc chắn sẽ phải giảm theo. Hiệp hội cũng đã đề nghị các doanh nghiệp tính toán để điều chỉnh giảm giá cho phù hợp.



Qua tìm hiểu tại các doanh nghiệp vận tải và bến xe, nhiều đơn vị đã lên phương án để giảm giá cước. Ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải-Thương mại và Dịch vụ Đất Cảng, thành phố Hải Phòng cho biết, Đất Cảng đã lên phương án và tiếp tục giảm giá cước vận tải từ 5-8% cho loại hình vận tải khách cố định, Taxi và xe hợp đồng.



Bởi, tính từ đầu năm đến nay, Liên Bộ Tài Chính-Bộ Công Thương đã 15 lần điều chỉnh giá xăng và 21 lần điều chỉnh giá dầu. Đây là điều kiện tốt cho doanh nghiệp vận tải hoạt động đạt hiệu quả hơn.



Theo ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó Giám đốc Xí nghiệp Quản lý Bến xe Phía Tây (Bến xe Mỹ Đình), đã có 26 doanh nghiệp gửi thông báo đến bến xe thông báo việc giảm giá vé xe, dao động thấp nhất từ 4-20%.



Trong khi đó các doanh nhiệp vận tải kinh doanh tuyến dài như Công ty cổ phần Thương mại-Dịch vụ Thuận Ý Gia Lai thông báo giảm giá cước tuyến Hà Nội-Đức Long (Gia Lai) xuống còn 620.000 đồng (giá cũ là 650.000 giảm 5%); Hợp tác xã Vận chuyển khách, hàng hóa và Dịch vụ thành phố Điện Biên thông báo giá đối với xe giường nằm (tuyến Hà Nội-Điện Biên) xuống còn 360.000 đồng (giá cũ 375.000 đồng giảm 4%).



Còn lại đối với các tuyến ngắn Nam Định, Phú Thọ, Hà Nam các doanh nghiệp thông báo giảm giá trên 10%. Cụ thể, Công ty Thương mại Quyết Thắng thông báo giảm giá 13% tuyến Hà Nội-Phú Thọ xuống còn 55.000 đồng (giá cũ 63.000 đồng)...



Tiêu dùng vẫn “cố thủ”



Trái với động thái nỗ lực giảm giá từ phía các đơn vị vận tải, hầu hết các mặt hàng tiêu dùng tiếp tục “cố thủ,” không có tín hiệu giảm. Thậm chí giá nhiều mặt hàng thiết yếu còn tăng nhẹ với lý do gần Tết.



Khảo sát tại các chợ Hôm, chợ Mơ... (Hà Nội) ngày 26/12, giá cả các loại thực phẩm không có nhiều thay đổi so với thời điểm đầu tháng 11 và tháng 12. Giá thịt bò vẫn ở mức 170.000-200.000 đồng/kg, giá gà ta từ 100.000-120.000 đồng/kg, thịt rọi, thịt thăn giá 100.000 đồng/kg. Giá trứng vịt vẫn giữ ở mức 35.000 đồng/chục, trứng gà ở mức 37.000-40.000 đồng/chục. Tôm sú dao động từ 400.000-460.000 đồng/kg...



Các loại rau, củ quả có tăng nhẹ so với thời điểm đầu tháng 12. Rau muống có giá 18.000 đồng/mớ; rau cải xong 5.000 đồng/mớ; rau cải thảo 10.000 đồng/kg; cà chua 15.000 đồng/kg.



Anh Nguyễn Thành Nam, bán thịt tại chợ Mơ cho hay, giá xăng giảm mạnh cũng không giúp nhiều cho việc giảm giá hàng tiêu dùng bởi giá nhập hàng đầu vào cũng không giảm và luôn ở mức cao. Hơn nữa, đây cũng là thời điểm cuối năm, nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong khi nguồn hàng hạn chế. Do đó, giá các mặt hàng tại chợ không giảm theo giá xăng là điều dễ hiểu.



Ông Nguyễn Mạnh Hùng, đại diện Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho rằng, giá xăng giảm mạnh khiến cước vận tải bắt đầu giảm, thì giá các loại hàng hóa cũng phải giảm theo để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng. Tuy nhiên với tình hình thị trường như hiện tại, giá hàng hóa không giảm là bất hợp lý, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.



Người tiêu dùng vẫn luôn đồng hành cùng doanh nghiệp trong “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam,” và “gồng mình” mỗi khi xăng, dầu tăng giá. Vì vậy, khi giá xăng dầu giảm mạnh, cước vận tải cũng giảm, doanh nghiệp hàng hóa, tiêu dùng cũng phải biết cân nhắc, điều chỉnh giảm giá để giảm gánh nặng cho người tiêu dùng.



Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội Vũ Vinh Phú cho rằng, giá hàng hóa vẫn ở mức cao là nghịch lý. Cơ quan quản lý Nhà nước cần nhanh chóng vào cuộc để thiết lập mặt bằng giá cho phù hợp mức giảm giá xăng vừa qua; phải tổ chức tốt các chuỗi cung ứng để sản phẩm đến tay người tiêu dùng không bị đội giá.



Giá tại nơi sản xuất đưa ra rất thấp nhưng đến tay người tiêu dùng thì phải qua 4-5 khâu phân phối, mỗi lần lại tăng giá lên 10-15%. Doanh nghiệp sản xuất và cung ứng phải cùng nhau liên kết để đưa hàng đến tay người tiêu dùng tốt nhất, rẻ nhất có thể.



Bên cạnh đó, ông Phú cũng cho rằng, xăng dầu giảm giá mạnh, nhưng vẫn không thể tác động đến giá cả tiêu dùng trên thị trường, khiến người tiêu dùng chịu thiệt thòi là do hiệu năng quản lý nhà nước về giá chưa đủ mạnh, thực hiện công tác bình ổn giá, xây dựng và quản lý hệ thống phân phối vẫn chưa quyết liệt...



Cơ quan quản lý về giá có thể chọn một số mặt hàng thiết yếu để rà soát, kiểm tra và yêu cầu doanh nghiệp điều chỉnh giá phù hợp. Làm tốt được điều đó, sẽ giúp giá cả mặt bằng chung giảm tương ứng theo./.




Theo vietnamplus.vn