K?t qu? 1 ??n 1 c?a 1
-
11-05-2015, 07:01 AM #1Senior Member
- Ngày tham gia
- Nov 2015
- Bài vi?t
- 7,203
Bán vé tàu qua mạng: "Không giống mua vé như thời bao cấp"
Hệ thống bán vé tàu điện tử của ngành đường sắt Việt Nam. (Ảnh: FPT)
Sau một tháng triển khai bán vé tàu qua mạng, ngành đường sắt đã có nhiều biện pháp kiểm soát, chống đầu cơ vé, bắt buộc khi mua vé phải xuất trình chứng minh nhân dân...
Tuy nhiên, ngành đường sắt mong rằng sẽ nhận được sự chia sẻ của hành khách vì chỉ có cách này mới ngăn tình trạng đầu cơ và vé mới thật sự đến tay người có nhu cầu.
Còn hơn 15.000 vé tàu dịp Tết
Theo số liệu thống kê của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), tính đến hôm nay (22/12), tổng số vé bán trên toàn hệ thống là 273.432 vé, trong đó tổng số lượng vé mua qua mạng là 162.048 vé (chiếm khoảng 59,3% tổng số vé bán trên toàn hệ thống) và 40,7% vé bán còn lại được bán trực tiếp tại các ga thuộc Tổng Công ty.
Đáng lưu ý, hệ thống bán vé cũng ghi nhận tại tất cả 64 tỉnh thành đều có giao dịch truy cập vào website www.dsvn.vn, www.vetau.com.vn để mua vé và thực hiện thanh toán để sở hữu vé ngay tại hệ thống bưu cục tại địa phương.
Theo ông Đoàn Duy Hoạch, Phó Tổng giám đốc VNR, tỷ lệ bán vé trung bình trên toàn hệ thống là 8.820 vé/ngày. Hệ thống bán vé tàu qua mạng giúp hành khách tiết kiệm thời gian chờ đợi, phiền hà đi lại đồng thời có thể mua vé ở bất cứ địa điểm nào.
“Hệ thống được thiết kế thân thiện người sử dụng, bảo đảm thông suốt, không bị quá tải, nghẽn mạng, hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu đặt chỗ và mua vé của người dân trên mạng,” ông cho hay.
Trong những ngày đầu bán vé Tết Ất Mùi vừa qua, một số sự cố đã xảy ra ảnh hưởng tới việc mua vé tàu của người dân, theo lý giải của lãnh đạo ngành đường sắt, nguyên nhân là do một hệ thống lớn có quy trình nghiệp vụ rất phức tạp, cần sự tham gia phối hợp của nhiều đơn vị và lần đầu tiên được triển khai rộng rãi trên phạm vi toàn quốc nên đã gặp phải một số tình huống thiếu các hướng dẫn cụ thể cho người sử dụng.
“Hơn nữa, nhiều hành khách đi tàu cũng chưa có thói quen mua hàng trực tuyến và cũng chưa từng được tiếp cận với bất kỳ quy trình mua vé trực tuyến nào nên có nhiều bỡ ngỡ và đã không thực hiện đúng các thao tác và các hướng dẫn khi mua vé,” ông Hoạch nhìn nhận.
Ngay khi phát hiện sự cố, VNR đã phối hợp với FPT khẩn trương điều chỉnh hệ thống, thường trực 24/24 giờ tích cực hướng dẫn hành khách thao tác đặt chỗ, thống nhất với hành khách các giải pháp phù hợp nhằm đảm bảo quyền lợi của những hành khách bị mất quyền giữ chỗ.
Theo ông Nguyễn Hữu Tuyên, Trưởng ban Kinh doanh vận tải VNR, hiện nay, vé tàu Tết Ất Mùi của một số hành trình vẫn còn và liên tục biến động do thường xuyên có hoạt động trả vé hoặc hủy đăng ký giữ chỗ tự động từ phía những khách hàng không có nhu cầu mua vé, không kịp thanh toán đúng hạn hoặc điền sai quy cách đăng ký thông tin hành khách đi tàu.
Tính đến thời điểm 22/12/2014, hệ thống ghi nhận còn khoảng hơn 15.000 vé xuất phát từ ga Sài Gòn, trong đó có hơn 7.000 vé đối với hành trình dài Sài Gòn-Hà Nội trong các ngày từ 13-16/2/2015.
Theo thống kê từ VNR, cho đến nay, vẫn còn 47.000 mã đặt chỗ đã trả tiền nhưng chưa đến ga lấy vé. Ngành đường sắt đề nghị những hành khách này nên đến ga lấy vé trong tháng 1/2015 đồng thời hệ thống tổng đài bán vé cũng gửi tin nhắn đề nghị khách đến ga lấy vé trong tháng.
Bày tỏ sự lo ngại khi hành khách có mặt trước 30 phút tàu chạy để lấy vé đi, ông Tuyên cho biết: “Giả sử 47.000 vé này mua qua 'cò', mà sát giờ tàu chạy mới tới lấy vé và lên tàu gây sức ép cho ngành đường sắt bắt phải cho lên tàu thì chúng tôi sẽ rất vất vả. VNR đang có nhiều trăn trở trong vấn đề này.”
Chống đầu cơ và phe vé
Trong quá trình quản lý vận hành hệ thống, ngành đường sắt và FPT đã thường xuyên điều chỉnh và đưa thêm các thông báo hướng dẫn lên hệ thống bán vé để hỗ trợ người dân đặt vé thuận tiện và cũng nâng cấp các tính năng của hệ thống để nâng cao tiện ích và phù hợp với thói quen mua hàng trực tuyến của hành khách đi tàu.
Cụ thể, hành khách hủy chỗ mua vé ở trên mạng thì đồng thời phải gửi tin nhắn từ số điện thoại đã đăng ký trên mục thông tin cá nhân của hành khách tới tổng đài của hệ thống để xác nhận trước khi hủy, tránh việc để lộ thông tin cá nhân và bị người khác lợi dụng hủy chỗ của hành khách.
Bên cạnh đó, hai đơn vị quản lý hệ thống này cũng áp dụng một số biện pháp kỹ thuật tiên tiến nhằm chống đặt vé tự động bằng robot, hạn chế khả năng đầu cơ vé; nâng cao hơn nữa tính bảo mật an toàn cho hệ thống ngay từ khi đặt chỗ hoặc đăng ký hàng đợi bằng việc mã hóa đường truyền và xác thực độ tin cậy của máy chủ.
Theo ông Tuyên, qua kiểm soát, ngành đường sắt đã phát hiện được hàng chục điểm đăng ký mua hàng trăm vé tàu qua mạng không phù hợp như ghi chứng minh nhân dân sai, không điền đầy đủ các quy định mua vé. Do đó, VNR đã tiến hành loại bỏ đăng ký giữ chỗ và nhường bán lại cho những hành khách khác có nhu cầu đi lại trong dịp Tết tới đây.
Việc ứng dụng hệ thống bán vé điện tử là sự đổi mới của ngành đường sắt. (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN)
“Nếu không ghi chứng minh thư nhân dân thì sẽ không ngăn chặn được tiêu cực. Chúng tôi cũng băn khoăn điều này. Phe vé có thời điểm kiếm được rất nhiều tiền từ khách hàng. Vì vậy, hành khách chia sẻ vất vả một chút, mang theo giấy tờ tùy thân khi đi tàu. Nếu mua phải vé giả, vé nhái, hành khách sẽ còn chịu thiệt thòi hơn,” ông Tuyên bày tỏ quan điểm.
Liên quan đến vấn đề này, ông Bùi Thanh Bình, Giám đốc dự án cung cấp Hệ thống vé tàu điện tử của FPT cho VNR cho hay, trong hệ thống bán vé điện tử đã cài đặt luật chống đầu cơ mua vé lớn. Các tên đánh sai quy định như: Không đầy đủ họ tên, chứng minh nhân dân …, mã nào sai thông tin thì hệ thống đều tự động khóa lại.
“Chỗ vẫn giữ cho hành khách, nếu hành khách không đến ga giải trình, chứng minh thông tin mình nhập đúng thì vé sẽ bị khóa khi hết 2 ngày giữ chỗ,” đại diện FPT cho biết.
Để tăng cường các biện pháp chống các biểu hiện tiêu cực, đầu cơ vé, VNR quy định, chỉ bán một kho vé duy nhất qua hệ thống bán vé điện tử, con người không thể can thiệp được vào việc bán vé của hệ thống đồng thời hành khách mua vé trên hệ thống bán vé điện tử đi tàu từ ngày 1/1/2015 trở đi phải ghi đầy đủ họ tên và thông tin như số chứng minh nhân dân hoặc số giấy tờ tùy thân có ảnh được pháp luật công nhận. Chỉ có khách hàng có thông tin trên vé đúng với thông tin cá nhân mới được xem là hợp lệ để lên tàu. Các trường hợp khác sẽ được giải quyết theo quy định của VNR.
Tại các ga, các điểm thu tiền của VIB và VNPost chỉ thu tiền của khách hàng khi khách hàng xuất trình giấy tờ tùy thân phù hợp với thông tin của hành khách đăng ký mua vé tàu.
Mặt khác, để đảm bảo an ninh, an toàn cho hành khách trong các ngày cao điểm Tết (từ 8/2 đến 8/3/2015) tại các ga sẽ kiểm tra vé tại cửa vào ga đi tầu, (người đưa tiễn không qua cửa soát vé), nhà ga sẽ tăng cường lực lượng hỗ trợ miễn phí hành khách là: phụ nữ có thai, có trẻ em đi cùng, người già, người khuyết tật... khi các đối tượng hành khách trên có yêu cầu được phục vụ).
Thời gian tới, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam phối hợp với FPT để tiếp tục đưa vào hệ thống một số tính năng như: kiốt bán vé tự động, sử dụng vé điện tử sau khi thanh toán tiền để hành khách không phải ra ga lấy vé.../.
Theo vietnamplus.vnView more random threads:
- JICA giúp Quảng Nam phát triển, tiêu thụ sản phẩm
- Bưu điện Nhật bán 7 khách sạn để xốc lại kinh doanh
- Đầu tuần, vàng trong nước lấy lại mốc 47 triệu đồng
- "Dệt may cần nâng kim ngạch xuất khẩu lên 25 tỷ USD"
- Indonesia là 1 điểm đến hấp dẫn của nhượng quyền
- Vàng SJC tăng nhẹ, giao dịch trên 41,00 triệu đồng
- Việt Nam tiếp tục xuất 33.000 tấn gạo sang Haiti
- "Chủ trương thí điểm hai dự án bauxite là đúng đắn"
- "Xuống dốc" dài nhất
- Giá vàng SJC giảm nhẹ, xuống mức 40,95 triệu đồng