Chế biến cá basa xuất khẩu tại Công ty thủy sản Bình An (Cần Thơ). (Ảnh: Duy Khương/TTXVN)


Kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm nay có thể đạt 7,9 tỷ USD. Có được kết quả này nhờ duy trì được đà tăng trưởng mạnh của các sản phẩm chiến lược như tôm và cá tra. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, đã đến lúc ngành thủy sản cần tìm kiếm thêm sản phẩm xuất khẩu chủ lực, tạo thêm thế mạnh cho thủy sản Việt Nam.



Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), thị trường thế giới đã có sự phục hồi và ưa chuộng các mặt hàng thủy sản nhiều hơn khiến nhu cầu tiêu dùng thế giới tăng cao trong thời gian qua.



“Nhưng quan trọng hơn cả là chúng ta đã trở thành quốc gia cung cấp thủy sản ổn định và có chất lượng, kết hợp với giá tăng nên kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam năm nay sẽ đạt 7,9 tỷ USD, tăng hơn 18% so với 2013,” ông Nguyễn Hoài Nam nhấn mạnh.



Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Vũ Văn Tám cũng cho rằng với đà tăng trưởng mạnh mẽ như hiện nay, năm 2015 xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sẽ cán đích 8 tỷ USD - con số của Chiến lược phát triển thủy sản đề ra đến năm 2020.



Trong thời gian vừa qua, Việt Nam đã có sự gia tăng một cách tự nhiên về các mặt hàng thủy sản xuất khẩu. Đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam năm 2000 là sự tham gia của con cá tra.



Đến 2005-2007, sự góp mặt của tôm chân trắng đã đẩy vị thế của thủy sản Việt Nam thêm tầm cao hơn. Lần lượt hai sản phẩm này đã được thị trường đánh giá rất cao bằng doanh số kim ngạch xuất khẩu.



Với tình hình xuất khẩu tôm thuận lợi như hiện tại, dự báo tổng giá trị xuất khẩu năm 2014 sẽ đạt 3,8 tỷ USD, tăng 22% so với năm 2013 và cao kỷ lục từ trước tới nay. Cá tra sẽ vẫn đạt con số khoảng 1,8 tỷ USD, tương đương năm ngoái.



Hài lòng với những con số xuất khẩu có thể đạt trong năm nay nhưng ông Nguyễn Hoài Nam vẫn đặt ra câu hỏi “Loài nào sẽ là loài bổ sung tiếp theo trong cơ cấu sản xuất-xuất khẩu của thủy sản Việt Nam?” “Đó có thể là cá rô phi.”



Đây không chỉ là gợi ý của riêng ông Nguyễn Hoài Nam mà rất nhiều chuyên gia trong ngành thủy sản cũng có cùng nhận định như vậy.



Với tiềm năng mặt nước và hạ tầng kỹ thuật của nghề thủy sản hiện có, Việt Nam hoàn toàn có thể tăng sản lượng nuôi cá rô phi lên gấp nhiều lần cho mục đích chế biến, xuất khẩu và sẽ là một nhà xuất khẩu cá rô phi lớn trên thế giới.



Theo ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản phẩm rô phi hiện đang có thị trường rất tốt.



Trong năm 5 năm qua, tốc độ tăng trưởng của cá rô phi trên toàn cầu khoảng 30%. Chỉ riêng thị trường Mỹ, các đây 10 năm thị trường này chỉ nhập khẩu khoảng 200 triệu USD nhưng năm nay có thể nhập khẩu trên 1 tỷ USD. Bên cạnh đó, rô phi cũng có giá xuất khẩu khá tốt, khoảng 4,5 USD/kg.



Cá rô phi đang là mặt hàng có sản lượng và kim ngạch thương mại trên toàn cầu rất lớn. Hàng năm, Trung Quốc sản xuất 1,1 đến 1,5 triệu tấn cá rô phi. Hiện Việt Nam xuất khẩu được rất ít mặt hàng cá rô phi nhưng rô phi có thể là mặt hàng xuất khẩu tiềm năng trong thời gian gần, ông Nguyễn Hoài Nam nhấn mạnh.



Cũng theo ông Phạm Anh Tuấn, ngoài chủ trương tiếp tục coi cá tra, tôm, ngao là sản phẩm chính, sắp tới chúng ta sẽ đẩy mạnh phát triển nuôi cá rô phi. Một số doanh nghiệp đã bắt đầu xuất khẩu cá rô phi và hiệu quả rất tốt. Việt Nam có rất nhiều tiềm năng phát triển vì rô phi nuôi được cả trong nước ngọt và vùng ven biển với tỷ lệ nước mặn dưới 15 phần nghìn.



Hiện nay, các hệ thống nuôi rô phi kết hợp với vùng nuôi tôm cho hiệu quả sinh thái rất tốt, giúp cải tạo môi trường nuôi, kiểm soát dịch bệnh và đặc biệt cá rô phi nuôi ở vùng nước lợ cho sản phẩm chất lượng thịt cao hơn so với nước ngọt.



Về phía các doanh nghiệp có thế mạnh trong làng thủy sản, ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó chủ tịch VASEP, cho biết hiện nay các doanh nghiệp đang đầu tư nuôi cá tra, tôm đều có xu hướng mong muốn đầu tư nuôi cá rô phi. Bên cạnh việc muốn đa dạng hóa loài nuôi, các doanh nghiệp đã nghiên cứu những mô hình nuôi cá rô phi - tôm nhằm giảm dịch bệnh.



Tuy nhiên, ông Nguyễn Hữu Dũng cũng nhấn mạnh: “Nếu đầu tư vào nuôi cá rô phi thì rất cần phải chú ý đến công tác giống, vì giống cá rô phi thoái hóa rất nhanh”.



Hiện nay, 80% cá rô phi giống Việt Nam đã sản xuất trong nước. Để đáp ứng nhu cầu giống cũng như định hướng phát triển nuôi cá rô phi cho các tỉnh phía Bắc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đầu tư trung tâm sản xuất giống rô phi ở Quảng Nam để tận dụng khí hậu ấm của nơi đây.



Ngoài ra, ông Phạm Anh Tuấn cũng tiết lộ thêm: 'để phát triển nuôi cá rô phi được bền vững, hiệu quả, sắp tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ có đề án phát triển sản phẩm này”./.


Theo vietnamplus.vn