Doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore (Bình Dương). (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)


Chiều ngày 1/12, lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã có buổi làm việc với Đoàn công tác của Bộ Kinh tế Đài Loan do bà Liên Ngọc Bình, Vụ trưởng Vụ Đầu tư-Bộ Kinh tế Đài Loan làm Trưởng đoàn.



Tại buổi làm việc, hai bên cùng thống nhất đánh giá, sau khi xảy ra vụ đáng tiếc vào ngày 13/5, lãnh đạo và các cơ quan chức năng của tỉnh Bình Dương đã sớm và chủ động thực hiện các giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp bị thiệt hại, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sớm ổn định phục hồi sản xuất.



Đặc biệt, hai bên đều nhất trí đề nghị các các công ty bảo hiểm sớm công bố mức độ thiệt hại của các doanh nghiệp Đài Loan để có chính sách hỗ trợ.



Theo bà Liên Ngọc Bình, hiện nay các nhà đầu tư Đài Loan đang băn khoăn bởi niên hạn tài chính năm 2014 sắp hết nhưng các số liệu được đều bù, hỗ trợ chưa có thì không biết kết toán ra sao để công bố kết quả kinh doanh cũng như hoạch định kế hoạch cho năm kế tiếp.



Bà Liên Ngọc Bình đề nghị tỉnh Bình Dương sớm có bảng tổng hợp và công bố cho phía Đài Loan và các doanh nghiệp Đài Loan biết trong vòng 2 tuần lễ tới để các doanh nghiệp an tâm, chủ động trong sản xuất kinh doanh.



Tại buổi làm việc lãnh đạo các sở, ngành chức năng của tỉnh đã trả lời giải đáp cụ thể các thắc mắc của các thành viên trong đoàn Đài Loan về các vướng mắc của các nhà đầu tư trong quá trình thực hiện chủ trương của Chính phủ về hỗ trợ cho các doanh nghiệp bị thiệt hại như về thuế, các chi phí đi lại của các nhà đầu tư và tiền lương công nhân trong các ngày nghỉ do sự cố 13/5,... theo chỉ đạo của Bộ Tài Chính tại Công văn số 12491/BTC-CST ngày 6/9/2014 về việc tổng hợp các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn đối với doanh nghiệp bị thiệt hại.



Ông Trần Văn Nam, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương cho biết hời gian qua, địa phương này đã thực hiện đầy đủ các giải pháp hỗ doanh nghiệp bị thiệt hại theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thậm chí còn thực hiện thêm một số giải pháp của địa phương nhưng không trái pháp luật để giúp doanh nghiệp khắc phục nhanh hơn như không thu lệ phí một số công việc thủ tục doanh nghiệp phải làm lại sau sự cố; công bố Quỹ hỗ trợ vốn vay 1.000 tỷ đồng với 50% lãi do ngân sách tỉnh bù....



Việc tỉnh chậm công bố số liệu tổng hợp các doanh nghiệp bị thiệt hại và mức đền bù, hỗ trợ là có nhiều nguyên nhân trong đó có nguyên nhân một số doanh nghiệp không muốn công khai tình hình của công ty vì sợ ảnh hưởng công việc làm ăn, ảnh hưởng mức bồi thường của công ty bảo hiểm hoặc có doanh nghiệp vi phạm pháp luật về môi trường, đóng bảo hiểm xã hội, thuế.../.




Theo vietnamplus.vn