Ông Jayadeva Ranade, Chủ tịch Trung tâm Phân tích và Chiến lược Trung Quốc của Ấn Độ. (Ảnh: Minh Lý/Vietnam+)


Trả lời phỏng vấn phóng viên VietnamPlus tại New Delhi về tiềm năng hợp tác kinh tế giữa Ấn Độ và Việt Nam, ông Jayadeva Ranade, Chủ tịch Trung tâm Phân tích và Chiến lược Trung Quốc của Ấn Độ, nhận định sau khi tự do hóa kinh tế năm 1986, Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng GDP trung bình 6,3% trong hai thập niên qua.




Chính sách kinh tế mới, với tên gọi “Đổi Mới” như một chất xúc tác đối với nền kinh tế Việt Nam, giúp nước này đạt tỷ lệ tăng trưởng nhanh thứ hai ở châu Á, chỉ sau Trung Quốc.
Sự chuyển đổi từ kinh tế tập trung sang kinh tế theo khuynh hướng thị trường đã tạo nhiều cơ hội hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài thu lợi ích từ đầu tư tại Việt Nam. Mặc dù nông nghiệp tạo nên 20% giá trị GDP song là nguồn tạo việc làm chính; lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ đóng góp 40% giá trị GDP.



Các doanh nghiệp nước ngoài tạo nên khoảng 45% giá trị sản phẩm công nghiệp; các công ty trong nước tạo 35% và chỉ khoảng 20% là do các doanh nghiệp nhà nước.



Tăng trưởng liên tục của nền kinh tế Việt Nam cùng với nhiều yếu tố hỗ trợ khác đã giúp Việt Nam trở thành điểm thu hút đầu tư. Theo đánh giá, Việt Nam là một trong số ít nước ASEAN có tỷ lệ tăng trưởng dân số theo chiều hướng tích cực, theo đó tỷ lên dân số ở độ tuổi làm việc cao, lợi thế cạnh tranh về chi phí lao, nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng, lạm phát và thâm hụt tài chính được kiểm soát, thị trường chứng khóan phát triển…đã tăng thêm sức mạnh cho nền kinh tế Việt Nam.



Với cán cân thương mại hiện đang ở thế tích cực, tiền tệ ổn định, việc hợp lý hóa về tỷ lệ thuế và triển khai một số biện pháp kích thích khác nhằm thúc đẩy đầu tư và tăng trưởng đã tạo môi trường tích cực đối với đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, nhờ đó, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã tăng mạnh tại Việt Nam.



Việt Nam đang thương lượng với một số tổ chức kinh tế và thương mại đa phương có tiềm năng tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài, trong đó có Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) với ASEAN và Ấn Độ; Hiệp định Đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP).



Để tiếp tục duy trì đà tăng trưởng và tạo điều kiện thuận lợi cho thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam cần cải thiện cơ sở hạ tầng, loại bỏ một số rào cản thuế quan và không thuế quan, cải thiện kỹ năng cho lực lượng lao động ngày càng gia tăng thông qua giáo dục và phát triển kỹ năng.



Cho đến nay, tiềm năng hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Ấn Độ vẫn còn rất lớn và chưa khai thác hết. Chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng một đoàn doanh nghiệp lớn của Việt Nam tới Ấn Độ cuối tháng 10 vừa qua đã tập trung vào hợp tác kinh tế, bên cạnh việc thúc đẩy quan hệ chiến lược.



Ấn Độ và Việt Nam đã tăng cường hợp tác trong lĩnh vực kinh tế. Cho đến nay, Ấn Độ đã cấp cho Việt Nam tổng cộng 18 khoản tín dụng. Trong Tuyên bố chung sau cuộc hội đàm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Narendra Modi đã nhất trí rằng hợp tác kinh tế giữa hai nước phải được theo đuổi như một mục tiêu chiến lược.



Hai bên ghi nhận rằng quan hệ hợp tác thương mại song phương tăng mạnh trong những năm gần đây, đặc biệt sau khi Ấn Độ và ASEAN ký Hiệp định tự do thương mại (FTA) về hàng hóa.



Mới đây, FTA về dịch vụ giữa Ấn Độ và ASEAN đã được ký kết và một khi đi vào hoạt động sẽ tạo đà mạnh mẽ hơn cho hợp tác kinh tế Ấn Độ-Việt Nam. RCEP là một hiệp định đa phương khác có thể góp phần tăng cường hợp tác kinh tế giữa hai nước trong tương lai.



Các lĩnh vực ưu tiên về hợp tác kinh tế bao gồm dầu-khí, điện, hạ tầng, du lịch, dệt may, giày dép, y tế, dược phẩm, công nhhệ thông tin-truyền thông, điện tử nông nghiệp, sản phẩm nông nghiệp, hóa chất, công cụ máy móc và các ngành công nghiệp hỗ trợ khác.



Hai bên đặt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 15 tỷ USD vào năm 2020, hơn gấp đôi mục tiêu 7 tỷ USD của năm 2015. Quan hệ đối tác chính trị mạnh mẽ giữa Ấn Độ và Việt Nam có thể giúp hai nước đạt mục tiêu này, tuy nhiên phần lớn còn phụ thuộc vào nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp hai nước./.




Theo vietnamplus.vn