Các thương nhân giao dịch tại thị trường dầu mỏ New York. (Nguồn: AFP/TTXVN)


Thị trường dầu mỏ lên xuống đan xen trong tuần qua khi bị chi phối bởi tuyên bố điều chỉnh giá dầu của Saudi Arabia và tình hình dự trữ dầu thô của Mỹ.



Tuy nhiên, việc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) hạ dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ toàn cầu đối với dầu của OPEC khiến “vàng đen” tiếp tục chứng kiến đà giảm của thị trường.



Trong hai phiên giao dịch đầu tuần ngày 3-4/11, giá dầu liên tục giảm sâu, sau khi Saudi Arabia - nhà sản xuất dầu chủ chốt của thế giới - tuyên bố hạ giá xuất khẩu mặt hàng này sang thị trường Mỹ, trong khi lại nâng giá tại thị trường châu Á và châu Âu. Thậm chí giá dầu ngọt nhẹ và dầu Brent còn lần lượt chạm các mức thấp nhất kể từ tháng 10/2011 và tháng 10/2010.



Giới phân tích cho hay động thái này của Saudi Arabia là nhằm giữ thị phần tại thị trường Bắc Mỹ, giữa bối cảnh dầu khí đá phiến giá rẻ đang tràn ngập tại đây.



Theo số liệu mới nhất từ Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ, nước này đã nhập 27,7 triệu thùng dầu thô từ Saudi Arabia trong tháng Tám, mức thấp nhất kể từ tháng 2/2010.



Ngoài ra, dầu còn chịu sức ép đi xuống từ báo cáo của Viện Dầu mỏ Mỹ (API) cho thấy dự trữ các chế phẩm dầu mỏ của nước này trong tuần kết thúc ngày 31/10 đều tăng.



Cụ thể, dự trữ các chế phẩm chưng cất tại cường quốc này đã tăng khoảng 155.000 thùng, thay vì giảm 1,8 triệu thùng như dự đoán của các chuyên gia tham gia cuộc thăm dò của hãng tin Reuters, còn dự trữ xăng tăng 240.000 thùng, cũng cao hơn mức dự báo tăng 400.000 thùng của các nhà phân tích.



Tuy nhiên, thị trường“vàng đen” đã phục hồi trong phiên 5/11, sau khi Bộ Năng lượng Mỹ (DoE) cho biết dự trữ dầu thô của nước này trong tuần trước tăng 500.000 thùng, thấp hơn nhiều so với mức tăng 2,2 triệu thùng mà các nhà phân tích dự báo trước đó.



Tính trong cả bốn tuần qua, dự trữ dầu thô của Mỹ tăng khoảng 23 triệu thùng. Ngoài ra, việc truyền thông Saudi Arabia đưa tin về vụ cháy tại một đường ống dẫn dầu gần thủ đô Riyadh, cũng góp phần đẩy giá dầu đi lên.



Sự hứng khởi của giới đầu tư chưa kéo dài được bao lâu thì giá dầu lại đảo chiều hạ trong phiên 6/11, sau khi OPEC – chiếm 1/3 nguồn cung dầu của thế giới, dự báo rằng nhu cầu dầu thô toàn cầu đối với dầu thô của tổ chức này sẽ giảm từ mức trên 30 triệu thùng/ngày trong năm 2013 xuống còn 28,2 triệu thùng/ngày vào năm 2017 - mức thấp trong 14 năm trở lại đây, trước khi tăng trở lại vào năm 2018.



Một nhân tố khác ảnh hưởng xấu đến giá dầu phiên này là việc USD vẫn vững giá so với đồng euro sau khi Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi cho biết ngân hàng này đã sẵn sàng với các giải pháp kích thích tiền tệ bổ sung trong trường hợp cần thiết để đối phó với nguy cơ giảm phát tại 18 quốc gia thuộc Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).



“Vàng đen” nhanh chóng lấy lại đà tăng trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 7/11, nhờ báo cáo tích cực từ thị trường việc làm của Mỹ và hoạt động săn lùng hàng hóa giá hời của giới đầu tư.



Dù vậy, phiên tăng này không đủ để giúp dầu thoát khỏi một tuần giảm giá. Tính từ giữa tháng Sáu năm nay, cả dầu Brent và dầu ngọt nhẹ đã đều để mất gần 30% giá trị.



Khép lại phiên này, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ giao tháng 12 tăng 74 xu, lên 78,65 USD/thùng, nhưng vẫn kém chút ít so với mức đóng cửa tuần trước đó là 78,99 USD/thùng.



Trong khi đó, tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn cũng tăng 53 xu, lên 83,39 USD/thùng và vẫn thấp hơn mức đóng cửa của tuần trước là 85,36 USD/thùng.



Theo báo cáo mới nhất của Bộ Lao động Mỹ, nền kinh tế lớn nhất tế giới đã tạo thêm 214.000 việc làm trong tháng Mười, thấp hơn mức dự báo 235.000 việc làm của giới chuyên gia, song vẫn giúp tỷ lệ thất nghiệp tại nước này giảm xuống còn 5,8%, thấp nhất kể từ tháng 7/2008.



Thêm vào đó, việc đồng USD đi xuống trong phiên này cũng giúp các mặt hàng vốn được định giá bằng đồng bạc xanh như dầu được hưởng lợi./.


Theo vietnamplus.vn