Sản phẩm cá tra philê xuất khẩu tại công ty Cổ phần chế biến và đông lạnh Việt An. (Ảnh: Phương Vy/TTXVN)


Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ngày 6/11 đã kêu gọi các thành viên thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) xóa bỏ những rào cản thương mại, được thiết lập từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, để cho phép nền kinh tế thế giới phục hồi đà tăng trưởng mạnh mẽ như đã từng diễn ra vào đầu thế kỷ này.



Trong một báo cáo mới nhất về vấn đề này, WTO cho biết các thành viên G20 đã đưa ra 1.244 biện pháp hạn chế thương mại trong vòng sáu năm qua, trong đó 962 biện pháp vẫn còn có hiệu lực, bất chấp sự phục hồi của nền kinh tế thế giới.



Điều này đã hạn chế khoảng 4,1% giá trị nhập khẩu hàng hóa thế giới và 5,3% giá trị nhập khẩu chung của G20, với tổng trị giá là 757 tỷ USD.



Báo cáo của WTO cũng cho biết thêm rằng G20 vẫn tiếp tục đưa ra các biện pháp mới nhằm hạn chế thương mại với tỷ lệ trung bình là 18 biện pháp/tháng trong suốt một năm qua - tăng 12% kể từ tháng 11/2013.



Các biện pháp hạn chế thương mại có thể bao gồm việc áp dụng các hạn ngạch và thuế quan đặc biệt đối với hàng hóa, cũng như các thủ tục/quyết định hành chính như những quy định hay bảo hộ cho các nhà sản xuất trong nước. Việc hạn chế xuất khẩu cũng có thể được G20 áp dụng nhưng số lượng thành viên sử dụng là rất ít kể từ năm 2008.



Theo báo cáo của WTO, những bất ổn đang diễn ra trong nền kinh tế thế giới, bởi vậy các thành viên G20 cần hạn chế áp dụng những biện pháp hạn chế thương mại mới và xóa bỏ những biện pháp đang tồn tại.



G20 bao gồm Liên minh châu Âu (EU) cùng 19 quốc gia Argentina, Australia, Brazil, Anh, Canada, Trung Quốc, Pháp, Đức, Ấn Độ, Indonesia, Italy, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mexico, Nga, Saudi Arabia, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ.



G20, vốn chiếm 80% thương mại thế giới và 85% sản lượng kinh tế toàn cầu, sẽ tổ chức Hội nghị thượng đỉnh vào ngày 15-16/11 tới tại Brisbane, Australia./.




Theo vietnamplus.vn