Đoàn kiểm tra liên ngành 389 Hà Nội đang làm việc với lãnh đạo công ty VietNet về hoạt động kinh doanh đa cấp (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)


Sau 2 ngày kiểm tra công ty Cổ phần liên minh tiêu dùng Việt Nam (VietNet), chiều nay (1/11), Đoàn kiểm tra liên ngành về chống buôn lậu và gian lận thương mại thành phố Hà Nội (Ban 389 Hà Nội) kết luận VietNet đã sai phạm về giấy phép kinh doanh đa cấp và giao dịch thương mại điện tử.



Theo Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành Phan Duy Vĩnh, tại thời điểm kiểm tra, đại diện công ty VietNet đã xuất trình được Giấy phép đăng ký kinh doanh cũng như Chứng nhận về An toàn vệ sinh thực phẩm của 9 sản phẩm mà Công ty đang thực hiện phân phối và 9 sản phẩm đều có hóa đơn chứng từ đầy đủ.



Danh sách 9 mặt hàng đa cấp, gồm các sản phẩm: Thực phẩm chức năng CalSoft; thực phẩm chức năng CordyP A+; thực phẩm chức năng Angel; dung dịch vệ sinh NANO BẠC HOA THANH XUÂN có xuất xứ từ Việt Nam; Viên nang mềm Dầu cá biển giọt vàng ALASKA; Trà giải độc đường ruột; Dung dịch giải độc gan mật có xuất xứ từ HongKong; Cao hồng sâm Hàn Quốc (xuất xứ Công ty Hàn Quốc) và Phân bón vi sinh USA (của Hoa Kỳ).



Đáng chú ý, theo ông Vĩnh, trong quá trình kiểm tra cơ quan chức năng đã không tìm thấy sản phẩm viên thuốc Hoa Thanh Xuân nhập khẩu từ Đài Loan (Trung Quốc) như một số phương tiện thông tin đại chúng nêu tại kho của Công ty, mà VietNet chỉ kinh doanh duy nhất sản phẩm dung dịch Nano bạc Hoa Thành Xuân (sản xuất tại Việt Nam).



Trưởng đoàn kiểm tra cũng nhấn mạnh, sản phẩm dung dịch Nano bạc Hoa Thành Xuân có hóa đơn đầy đủ cũng như có giấy chứng nhận về chất lượng do cơ quan chức năng cung cấp.



Tuy nhiên, ông Vĩnh cũng chỉ ra một số sai phạm của VietNet trong quá trình kinh doanh của chi nhánh tại Hà Nội.



Cụ thể, Giấy phép kinh doanh do Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Giang cấp cho Công ty mẹ của VietNet tại tỉnh Bắc Giang được hoạt động kinh doanh đa cấp và 9 sản phẩm mà công ty này đang thực hiện phân phối cũng được thực hiện theo hình thức đa cấp.



Tuy nhiên, đối với chi nhánh của công ty tại Hà Nội, mặc dù giấy phép lần 1 (ngày 3/3/2014) được cấp phép kinh doanh đa cấp nhưng Giấy phép bổ sung lần 2 (ngày 20/6/2014) lại không có nội dung này.



'Đây là một sai sót của công ty trong quá trình đăng ký kinh doanh cho chi nhánh của công ty,' ông Vĩnh lưu ý.



Thêm vào đó, đoàn kiểm tra cũng lập biên bản đối với VietNet về hành vi dùng website để giao dịch thương mại điện tử cho sản phẩm của mình nhưng chưa được sự công nhận chính thức của Cục thương mại điện (Bộ Công Thương).



Cùng với kết luận này, đoàn kiểm tra cũng chỉ rõ, trong 9 mặt hàng mà VietNet kinh doanh tại Hà Nội thì chỉ có 3 mặt hàng thông báo với Sở Công Thương Hà Nội về kinh doanh đa cấp, còn lại 6 mặt hàng chưa thông báo.



Cơ quan chức năng đã tiến hành thu giữ hơn 380 túi kẹo sâm và 750 lọ đông trùng hạ thảo và tinh chất nước sâm do nước ngoài sản xuất nhưng không có hóa đơn chứng từ tại kho của công ty, đây là số hàng công ty cho rằng 'đang khai thác thêm về để thăm dò thị trường.'



Ông Nguyễn Văn Chung, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần liên minh tiêu dùng Việt Nam. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)


Về phía công ty, ông Nguyễn Văn Chung, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc VietNet cũng đồng ý với những nội dung do đoàn kiểm tra đưa ra.



'Kết luận của đoàn kiểm tra đã giúp doanh nghiệp nhận ra những thiếu sót của mình qua đó để hoạt động được tốt hơn,' ông Chung nói.



Ông Chung cũng khẳng định, VietNet chưa bao giờ kinh doanh sản phẩm HOA THANH XUÂN sản xuất tại Tập đoàn Y học cổ truyền Đài Loan (Trung Quốc).



Như vậy, kết luận của đoàn liên ngành đã làm rõ được nội dung mà một số trang mạng đã nêu về sản phẩm HOA THANH XUÂN. Qua kiểm tra, đoàn liên ngành Hà Nội cũng chỉ ra những sai phạm trong hoạt động kinh doanh đa cấp của VietNet./.




Theo vietnamplus.vn