Ảnh minh họa. (Nguồn: innonfifth.com)


Một báo cáo mới đây của Trung tâm nghiên cứu phi lợi nhuận SRI International cho thấy tầng lớp trung lưu ngày càng lớn mạnh và người tiêu dùng ngày càng quan tâm tới chăm sóc sức khỏe và du lịch.



Điều này đã thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp spa/chăm sóc sức khỏe toàn cầu, với giá trị ước khoảng 3.400 tỷ USD năm 2013.



Trong khi ngành y tế truyền thống tập trung vào việc chữa bệnh thì dịch vụ spa/chăm sóc sức khỏe tập trung vào việc phòng bệnh thông qua một loạt các thói quen có lợi cho sức khỏe, ăn uống lành mạnh, tập thể dục và trị liệu.



Các phân khúc phát triển nhất của ngành công nghiệp “hái ra tiền” này là dinh dưỡng và giảm cân, phòng bệnh và tập luyện cá nhân, các hình thức trị liệu bổ sung/thay thế, trị liệu chăm sóc sắc đẹp và ngăn ngừa lão hóa.



Theo báo cáo của Hiệp hội quản lý các dịch vụ Spa và chăm sóc sức khỏe toàn cầu, doanh thu của ngành công nghiệp này đã tăng lên 94 tỷ USD trong năm 2013, từ con số 60 tỷ USD trong năm 2007.



Trong số đó, với hơn 32.000 spa, châu Âu là lục địa đã có doanh thu cao nhất với 29,8 tỷ USD, theo sau là khu vực châu Á-Thái Bình Dương với 18,8 tỷ USD và Bắc Mỹ với 18,3 tỷ USD.



Tuy vậy, các thị trường mới nổi ở Trung Đông và châu Phi mới là nơi có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất về việc mở thêm các dịch vụ này. Ở châu Á, các nước dẫn đầu về nhịp độ tăng trưởng spa là Trung Quốc và Ấn Độ, còn ở châu Âu là khu vực Đông Âu, Nga và các quốc gia vùng Baltic.



Trong lĩnh vực spa/ chăm sóc sức khỏe, đáng chú ý nhất lại là sự phát triển mạnh mẽ của phân khúc du lịch nghỉ dưỡng (một hình thức du lịch nhằm mục đích duy trì, tăng cường sức khỏe và lối sống lành mạnh) với doanh thu lên tới 494 tỷ USD, nhiều gấp gần 10 lần so với mức doanh thu 50 tỷ USD từ các dịch vụ tắm khoáng.



Báo cáo trên cho thấy lượng người tham gia các chuyến du lịch nghỉ dưỡng quốc tế và nội địa năm 2013 tăng 12 % so với năm 2012, cao hơn 36% so với tốc độ tăng trưởng của ngành du lịch truyền thống./.




Theo vietnamplus.vn