Tổng thống Jakaya Mrisho Kikwete phát biểu tại buổi thỏa luận. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)


Tanzania là thành viên của Hiệp hội kinh tế châu Phi gồm 14 thành viên và Tanzania sẽ là cửa ngõ để các doanh nghiệp nước ngoài tiếp cận với thị trường châu Phi với khoảng 400 triệu dân.



Đối với khu vực Đông Phi, Tanzania là nơi thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài nhiều nhất. Và Tanzania sẵn sàng hỗ trợ, hợp tác kinh doanh với các đối tác; trong đó có các doanh nghiệp của Việt Nam.



Tổng thống Cộng hòa Thống nhất Tanzania Jakaya Mrisho Kikwete cho biết như vậy tại buổi “Thảo luận bàn tròn với Tổng thống Tanzania và Trung tâm Đầu tư Tanzania về các cơ hội đầu tư kinh doanh tại Tanzania” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Trung tâm xúc tiến đầu tư Tanzania tổ chức ngày 28/10, tại Hà Nội.



Theo Tổng thống Tanzania Jakaya Mrisho Kikwete, doanh nghiệp Tanzania đến Việt Nam nhằm tìm kiếm các cơ hội và tiềm năng kinh doanh tốt hơn. Tanzania có điều kiện địa lý rất tốt với hệ thống cơ sở hạ tầng phát triển và là một trong những nước có nền kinh tế tốt nhất trong khu vực.

Tanzania đã đưa ra các sáng kiến, chính sách để đổi mới kinh tế và có tốc độ tăng trưởng kinh tế lớn, đạt khoảng 7%/năm. Tanzania có sự ổn định chính trị, môi trường kinh doanh tốt, cũng như toàn bộ hệ thống về luật pháp tốt, ổn định; có những ưu đãi bảo hộ đầu tư tốt cho các nhà đầu tư nước ngoài.
“Chúng tôi đã lập Trung tâm xúc tiến đầu tư để làm cầu nối giữa nhà đầu tư với Tanzania. Trung tâm này sẽ điều phối doanh nghiệp nước ngoài với Tanzania. Và đây là một trong những trung tâm thỏa mãn các nhu cầu của các nhà đầu tư,' Tổng thống Jakaya Mrisho Kikwete nói.



Theo báo cáo từ Trung tâm xúc tiến đầu tư Tanzania, Tanzania đã tạo các hành lang hỗ trợ, nhằm thu hút đầu tư trong nhiều lĩnh vực từ nông nghiệp, viễn thông, các ngành vận chuyển, khai khoáng và xây dựng cơ sở hạ tầng... Tanzania nhập khẩu nhiều các thiết bị máy móc, đầu máy nông nghiệp, hay các nguyên liệu thô và các sản phẩm tiêu dùng.



Bên cạnh đó, Tanzania cũng có thế mạnh trong sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm khô như chè, hoa đã qua chế biến, bông, càphê Arab; trữ lượng quặng sắt, niken, vàng, kim cương, khoáng sản lớn.



Ông Hoàng Văn Dũng, Phó Chủ tịch VCCI cho biết buổi thảo luận là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam tìm hiểu các thông tin về chính sách thương mại, đầu tư, cũng như các cơ hội hợp tác kinh doanh với thị trường Tanzania.

Hiện nay, Việt Nam và Tanzania có nhiều lĩnh vực có thể hợp tác như sản xuất gạo, càphê, thủy sản, bông, gỗ, ximăng, khai khoáng, dược phẩm, y tế, giáo dục.
Theo ông Hoàng Văn Dũng, Việt Nam với khoảng 600.000 doanh nghiệp, tham gia vào các Hiệp định thương mại với Mỹ, WTO... và trong thời gian tới có thể sẽ ký kết các Hiệp định thương mại tự do FTA, TPP. Ông Dũng hy vọng, hai bên sẽ mở ra những cơ hội kinh doanh tốt hơn cho các doanh nghiệp hai nước trong thời gian tới, đưa các nhà tài trợ, nhà đầu tư Việt Nam tham gia thị trường Tanzania nhiều hơn.




Trong những năm qua, thương mại Việt Nam-Tanzania còn tương đối khiêm tốn. Riêng năm 2013, Việt Nam xuất khẩu sang Tanzania chỉ khoảng 25 triệu USD và chủ yếu là các sản phẩm cá basa, gạo../.



Theo vietnamplus.vn