Theo nhận định của Phó chủ tịch, Tổng giám đốc Ngân hàng Bangkok chi nhánh Việt Nam Tharabodee Serng-Adichaiwit, đăng trên tờ The Nation ngày 30/9, việc gia tăng số người có mức thu nhập trung bình và việc tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ là lực hấp dẫn đầu tư trực tiếp nước ngoài và là động lực cho xuất khẩu của Việt Nam.



Ông Tharabodee cho rằng cơ hội cũng sẽ mở ra cho Ngân hàng Bangkok chi nhánh Việt Nam, với dự báo tăng trưởng tín dụng sẽ đạt mức hai con số nhờ tăng đầu tư trực tiếp, sự ổn định của đồng nội tệ và thu nhập trung bình cao hơn.



GDP của Việt Nam trong năm nay dự kiến đạt 5-6% nhờ xuất khẩu tăng trưởng 20-30%. Xuất khẩu của Việt Nam ước tính đạt 13 tỷ USD mỗi tháng và có thể vượt Thái Lan trong vòng 4-5 năm tới, dù Thái Lan có kim ngạch xuất khẩu mỗi tháng hiện nay vào khoảng 18-19 tỷ USD. Mức chi phí lương thấp cộng với một lượng lớn dân số ở độ tuổi lao động đã trở thành yếu tố hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài muốn lập cơ sở sản xuất tại Việt Nam để phục vụ xuất khẩu.



Ông Tharabodee cho rằng nếu TPP được ký kết, nền kinh tế Việt Nam sẽ có được nền tảng về dài hạn, đặc biệt là trong xuất khẩu hàng may mặc và các sản phẩm dệt may bởi Việt Nam được lợi từ việc buôn bán với 11 quốc gia khác tham gia đàm phán hiệp định này.



Ông Tharabodee nhận định số người có thu nhập trung bình tại Việt Nam sẽ tăng lên vào khoảng 20-30 triệu vào năm 2020. Nhiều tập đoàn của Thái Lan đã tham gia thị trường Việt Nam để khai thác sức tiêu dùng từ bộ phận dân số này trong thời gian tới. Việc Berli Jucker mua lại Metro Cash & Carry Vietnam và Tập đoàn Phú Thái, nơi quản lý hệ thống Family Marts trước đây ở Việt Nam, thiết lập chuỗi cửa hàng tiện lợi B's Mart hay Tập đoàn Central Thái Lan tăng cường sự hiện diện tại Việt Nam bằng trung tâm mua sắm Robins là những ví dụ điển hình cho sự chuẩn bị này.



Trong tám tháng đầu năm nay, các khoản cho vay mới của Ngân hàng Bangkok chi nhánh Việt Nam tăng 10%, trong lúc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã yêu cầu các ngân hàng thương mại hạn chế các cho vay bằng ngoại tệ như một giải pháp nhằm kiềm chế lạm phát, khiến tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng tại Việt Nam chỉ tăng 4% cho tới nay trong khi mục tiêu của chính phủ đặt ra là 12-13%.



Ngân hàng Bangkok đã nhận thấy dòng chảy đầu tư trực tiếp vào Việt Nam và đã tham gia cấp tín dụng cho các nhà đầu tư nước ngoài, hiện chiếm khoảng 90% các khoản cho vay mới của ngân hàng này tại Việt Nam. Ngân hàng này sẽ phục vụ dòng chảy đầu tư đó thông qua việc sử dụng mạng lưới ngân hàng, đặc biệt ở Trung Quốc, khi mà các nhà đầu tư Trung Quốc đang tới Việt Nam để thiết lập cơ sở sản xuất.



Ngoài ra, Ngân hàng Bangkok cũng sẽ tăng cường tập trung vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm khoảng 20% danh mục cho vay của Ngân hàng Bangkok chi nhánh Việt Nam, trong khi các công ty Thái Lan và công ty đa quốc gia chiếm tương ứng khoảng 40% mỗi bên./.




Theo vietnamplus.vn