Dây chuyền sản xuất lò xo, phụ kiện kim loại tại Công ty Ngũ Kim Che Ye – 2, vốn đầu tư Đài Loan, tại Khu Công nghiệp Bình Xuyên (Vĩnh Phúc). (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)


Cùng với làn sóng đầu tư nước ngoài, có nhiều tập đoàn lớn đã đầu tư vào Việt Nam. Trước những cơ hội đó, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều phương án, chính sách như giảm thuế thu nhập cá nhân đối với nguồn nhân lực công nghệ cao, đưa ra các ưu đãi đối với thuê đất và vay vốn đầu tư… để hỗ trợ cho các doanh nghiệp công nghiệp.



Những yếu tố này được coi là đòn bẩy quan trọng đối với các doanh nghiệp phụ trợ.



Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Hiếu cho biết, Việt Nam đang triển khai 3 nhóm giải pháp để khuyến khích, phát triển lĩnh vực này; trong đó, có việc xây dựng, ban hành nghị định về khuyến khích và phát triển công nghiệp hỗ trợ phù hợp với thực tiễn; đồng thời xây dựng môi trường, hạ tầng kinh doanh thuận lợi để khuyến khích, thu hút từ các tập đoàn lớn đến doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư, sản xuất linh kiện, bán thành phẩm tại Việt Nam.



Theo Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công Thương, ông Trương Thanh Hoài, cần phải xác định rõ rằng công nghiệp hỗ trợ không phải ngành công nghiệp mang tính chất “phụ trợ” mà đây là ngành đóng vai trò xương sống trong nền công nghiệp.



Ông Trương Thanh Hoài cho rằng, phát triển công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam phải hướng tới các ngành công nghiệp chủ lực của đất nước và các ngành thu hút mạnh nguồn vốn FDI. Cụ thể đó là các ngành dệt may, cơ khí-điện tử, lắp ráp máy… Các ngành này có nhu cầu lớn về sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Giải pháp cần thiết nhất hiện nay đó là nhanh chóng hiện đại hóa công nghệ, đào tạo lao động chất lượng cao để sớm có thể sản xuất những sản phẩm đạt tiêu chuẩn.



Ông Shim Wonhwan, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Complex nhận định, nếu không thể phát triển được công nghiệp phụ trợ trong nước, chắc chắn mức độ phụ thuộc lớn vào bên ngoài là không thể tránh khỏi, tương ứng với đó là sự suy yếu về sức cạnh tranh và hệ quả của nó là sẽ rất khó để phát triển kinh tế bền vững và lâu dài.



'Nếu chỉ có sự cố gắng của bản thân các doanh nghiệp mua hàng như Samsung, hay hỗ trợ của Chính phủ là chưa đủ mà trước hết, bản thân doanh nghiệp phụ trợ phải tự lực thì chúng ta mới có thể giành được lợi thế cạnh tranh hơn,” ông Shim Wonhwan nhấn mạnh.



Theo giáo sư-tiến sỹ khoa học Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE), Cục Đầu tư nước ngoài và VAFIE sẽ phối hợp với Hiệp hội cơ khí và Sở Kế hoạch và Đầu tư một số địa phương khảo sát tình hình. Từ đó, chọn từ 30 đến 50 doanh nghiệp làm thí điểm trong khoảng một năm với sự hỗ trợ của Chính phủ, chính quyền địa phương và Tập đoàn Samsung để tìm ra giải pháp đồng bộ từ chính sách hỗ trợ, tín dụng ưu đãi, Quỹ phát triển, tổ chức quá trình hợp tác theo chuỗi giá trị để mở rộng diện doanh nghiệp tham gia. Dự kiến tiến hành khảo sát và lựa chọn doanh nghiệp tham gia thí điểm phát triển công nghiệp hỗ trợ cho Công ty Samsung Electronics Việt Nam từ tháng 9-12/2014.



Hầu hết các doanh nghiệp trong nước đều cho rằng, đầu tư công nghệ cần nguồn vốn lớn. Vì vậy, để hỗ trợ các doanh nghiệp, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần sớm xây dựng cơ chế tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vồn vay dài hạn với lãi suất ưu đãi.



Mặc dù vậy, theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Hiếu, thời gian qua, do những đòn bẩy về cơ chế, chính sách từ Chính phủ còn chưa thực sự mang tính đột phá cũng như các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam với những hạn chế chủ quan về công nghệ, vốn, năng lực sản xuất, kinh nghiệm quản lý, nguồn nhân lực... nên vẫn chưa thu hút các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sản xuất linh kiện này.



Báo cáo từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, đến nay, Việt Nam đã thu hút được gần 17.000 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký đạt trên 243 tỷ USD từ 101 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong những năm gần đây, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam gia tăng đáng kể vào lĩnh vực công nghiệp điện tử từ một số quốc gia và vùng lãnh thổ như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan.



Các doanh nghiệp FDI đã góp phần đưa Việt Nam trở thành 1 trong 10 trung tâm sản xuất thiết bị điện tử hàng đầu thế giới trong chưa đầy 1 thập kỷ với giá trị sản xuất năm 2013 đạt 40 tỷ USD và dự kiến tăng mạnh trong thời gian tới.



Trong số các doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam, Hàn Quốc là một trong những đối tác đầu tư, thương mại, hợp tác kinh tế, văn hóa, du lịch hàng đầu của Việt Nam. Hàn Quốc có 3.930 dự án và trên 32,8 tỷ USD tổng vốn đăng ký, là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 2 tại Việt Nam với nhiều dự án đầu tư trong các lĩnh vực công nghiệp chế tạo, xây dựng, dịch vụ, kinh doanh bất động sản…



Trong đó, Tập đoàn Samsung giữ vai trò then chốt trong việc đưa Hàn Quốc trở thành nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghiệp điện tử lớn nhất tại Việt Nam với tổng mức đầu tư dự kiến vượt 10 tỷ USD vào cuối năm 2014. Công nghiệp phụ trợ đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tồn tại và phát triển của Samsung tại Việt Nam.



Với quy mô sản xuất trong lĩnh vực điện tử hiện tại thì Samsung cần hàng trăm xí nghiệp công nghiệp hỗ trợ tại chỗ và trong khu vực. Đó là cơ hội lớn cho Bắc Ninh, Thái Nguyên và các địa phương khác trong Vùng Thủ đô phát triển công nghiệp hỗ trợ, trong khi hiện này chủ yếu do các doanh nghiệp FDI thực hiện.



Tuy nhiên, theo giáo sư-tiến sỹ khoa học Nguyễn Mại, công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và các sản phẩm tạo ra có giá trị gia tăng thấp. Tỷ lệ linh kiện, phụ kiện sản xuất trong nước mới chỉ đạt 27,8%, trong khi đó tại Thái Lan đã đạt 60% và Trung Quốc cũng đạt tỷ lệ nội địa hóa 50%.



Nguyên nhân là do Việt Nam chưa có chiến lược ưu tiên phát triển một vài loại công nghiệp hỗ trợ quốc gia để tạo ra sản lượng quy mô lớn. Chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ chưa tạo lập mối quan hệ liên kết giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước; đồng thời, cũng chưa tạo lập được các mô hình liên kết thao chiều dọc và chiều ngang để nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm quốc gia, giáo sư-tiến sỹ khoa học Nguyễn Mại đánh giá.



Còn theo ông Shim Wonhwan, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Complex, trên thực tế công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực điện tử còn tương đối lạc hậu. Ngay tại thời điểm này, các doanh nghiệp của Việt Nam cũng chỉ cung cấp cho chúng tôi các loại mặt hàng như sản phẩm in ấn, bao bì.



Do đó, vấn đề đặt ra hiện nay là làm sao để doanh nghiệp Việt học hỏi được bí quyết công nghệ, nhằm nâng cao trình độ công nghệ của doanh nghiệp trong nước. Tìm ra giải pháp để các doanh nghiệp Việt Nam có thể trở thành các nhà cung cấp các sản phẩm công nghiệp phụ trợ, thay thế được các nhà cung cấp hiện tại của Samsung cũng như các tập đoàn đa quốc gia khác./.


Theo vietnamplus.vn