Những sản phẩm chất lượng cao của Fuji Xerox từ lâu đã chiếm lĩnh thị trường Việt Nam. (Ảnh: fujixerox.com)


Sau 16 tháng đầu tư và vận hành, nhà máy Fuji Xerox Hải Phòng đã thu hút khoảng 1.500 công nhân Việt Nam làm việc với sản lượng khoảng 2.000 sản phẩm/ngày. Đây là một trong những trọng điểm đầu tư của tập đoàn hàng đầu Nhật Bản về sản xuất thiết bị văn phòng với mục tiêu biến nhà máy hiện đại tại Hải Phòng trở thành trung tâm phân phối sản phẩm cho thị trường toàn cầu.



“Kế hoạch của chúng tôi là tăng tỷ lệ nội địa hóa lên trên 90% , càng sớm càng tốt, đó là ưu tiên số một của chúng tôi,” Chủ tịch kiêm Trưởng đại diện Công ty trách nhiệm hữu hạn Fuji Xerox Tadahito Yamamoto khẳng định trong cuộc thảo luận bàn tròn về mô hình sản xuất mục tiêu của tập đoàn hôm 17/3.



“Chúng tôi rất phấn khích”



Những sản phẩm chất lượng cao của Fuji Xerox như máy in, máy photocopy, thiết bị văn phòng… từ lâu đã chiếm lĩnh thị trường và khẳng định chất lượng với các khách hàng Việt Nam. Việc giành được một thị phần lớn hiện nay tại Việt Nam cũng là cơ sở để Fuji Xerox lên kế hoạch mở rộng sản xuất, đặc biệt là việc tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm.



Trao đổi với phóng viên VietnamPlus, Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Fuji Xerox Hải Phòng Masaaki Nabeta xác nhận: “Hiện chúng tôi đã nắm được 70% thị phần sản phẩm cứng, 30% thị phần dịch vụ và giải pháp thiết bị tại thị trường Việt Nam.”



Chủ tịch kiêm Trưởng đại diện Công ty trách nhiệm hữu hạn Fuji Xerox Tadahito Yamamoto. (Ảnh: fujixerox.com)


Chia sẻ với báo giới về năng lực của nhà máy mới đi vào hoạt động từ gần 16 tháng qua, Chủ tịch Tadahito Yamamoto nhận rằng nền tảng sản xuất của nhà máy đặt tại Hải Phòng là khá tốt. Ngay khi bắt đầu đi vào sản xuất, Fuji Xerox đã dự kiến tỷ lệ nội địa hóa trong sản phẩm là 50%.



“Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số thách thức mà chúng tôi phải vượt qua, nên tỷ lệ nội địa hóa của chúng tôi tới lúc này mới đạt được 50%,” ông Yamamoto bộc bạch, “Như vậy là 50% các linh kiện còn lại, chúng tôi vẫn phải nhập khẩu từ nước ngoài, và như thế, giá thành sản phẩm lại đội lên, ngoài ra cũng mất khá thời gian như kiểm kê, lưu kho. Đó là những lý do tạo nên thách thức mà chúng tôi thấy là phải cố gắng tăng tỷ lệ nội địa hóa lên cao càng sớm càng tốt để giảm thiểu chi phí.”



Giải thích rõ hơn về tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm của Fuji Xerox Hải Phòng, Tổng Giám đốc Nabeta cho biết tỷ lệ 50% kể trên là tính về mặt giá trị. “Xét về mặt số lượng chi tiết trong sản phẩm của chúng tôi, tỷ lệ này là 70%,” ông Nabeta tiết lộ.



Nhà máy Fuji Xerox Hải Phòng. (Ảnh: fujixerox.com)


Với vị trí địa lý khá thuận lợi nằm ở gần cảng biển chính của Việt Nam, các lãnh đạo của Fuji Xerox Hải Phòng tỏ ra khá lạc quan về triển vọng đầu tư thêm vào nhà máy hiện nay (mới xây dựng trên 50% diện tích mặt bằng) trong thời điểm Cộng đồng Kinh tế ASEAN sắp được thành lập vào cuối năm nay và thuế suất trên khắp các quốc gia ASEAN sẽ bằng “0” vào năm 2018.



“Chúng tôi đặt ra mục tiêu tăng tỷ lệ nội địa hóa và đồng thời cùng lúc đó, thị trường cũng đã và đang tăng trưởng và phát triển. Tựu chung lại, chúng tôi rất phấn khích và mong muốn tham gia vào thị trường Đông Nam Á, đặc biệt trong bối cảnh thị trường ASEAN sắp hợp nhất, trở thành một thị trường khổng lồ,” Chủ tịch Tadahito Yamamoto nhấn mạnh.



Ngoài những thời cơ thuận lợi về mặt thị trường, lao động bản địa cũng là một yếu tố được các quan chức cấp cao Fuji Xerox Hải Phòng khá lạc quan. Chủ tịch Yamamoto tâm sự rằng ông nhận thấy các công nhân Việt Nam tại đây làm việc ở đây rất siêng năng, ham học hỏi. Điều đó thể hiện ở những việc hiện nay rất nhiều công nhân Fuji Xerox Hải Phòng có thể giao tiếp được bằng tiếng Nhật.



“Tìm đối tác Việt tin cậy”



Triển vọng đầu tư lớn của Fuji Xerox hứa hẹn sẽ thúc đẩy sự phát triển ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng. Trong bối cảnh tập đoàn Nhật Bản này mong muốn đạt doanh thu 1,24 nghìn tỷ yen, trong đó riêng doanh thu ở hải ngoại tăng 60%, thì điều này cực kỳ có ý nghĩa đối với các doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ Việt Nam, mà theo nhiều chuyên gia phân tích, hiện vẫn chỉ ở vạch xuất phát nếu so sánh với các nước phát triển.



(Nguồn: Fuji Xerox Hải Phòng)


Trước câu hỏi tại sao không đặt mục tiêu nội địa hóa 100% sản phẩm, các vị lãnh đạo điều hành hàng đầu Fuji Xerox cho biết đã gặp nhiều khó khăn vì việc này mất rất nhiều thời gian. “Bản thân chúng tôi không muốn mất thời gian như vậy mà mong muốn quá trình tăng tỷ lệ nội địa hóa này càng nhanh càng tốt, vấn đề ở đây là phải tìm được một đối tác Việt Nam tin cậy,” Chủ tịch Yamamoto giải thích.



Chia sẻ về vấn đề này, Tổng Giám đốc Masaaki Nabeta cũng thẳng thắn cho biết đến thời điểm này, chưa có một doanh nghiệp Việt Nam nào tham gia cung ứng linh kiện cho Fuji Xerox Hải Phòng.



“Để cung cấp được (các linh kiện) thì cũng không phải là dễ. Tại sao lại không dễ, vì chúng tôi luôn đặt ra những yêu cầu rất cao về mặt chất lượng phải đảm bảo, với những tiêu chí về giá cả, chất lượng, chất lượng bao gồm cả sản phẩm và ‘chất lượng’ giao hàng. Tất cả những vấn đề đó, chúng tôi đều đặt ra một cách rất nghiêm túc, chúng tôi sẵn sàng, mong muốn sử dụng các sản phẩm phụ trợ của doanh nghiệp Việt Nam nhưng vẫn phải tìm kiếm những đối tác phù hợp và tìm kiếm được rồi, chúng tôi phải phải đàm phán với họ,” ông Nabeta bộc bạch.



Theo nhận định của các quan chức Fuji Xerox, hiện Việt Nam đã có nhiều doanh nghiệp cung cấp sản phẩm phụ trợ cho ngành công nghiệp ôtô. Nhưng riêng việc đáp ứng được nhu cầu cho ngành công nghiệp này, các doanh nghiệp Việt Nam đã khá bận rộn rồi, nên với Fuji Xerox, phía nhà cung ứng bản địa cũng chưa thể đáp ứng ngay được.



Theo tiết lộ của các quan chức cấp cao tập đoàn Nhật Bản, trong tháng Ba, Fuji Xerox Hải Phòng đã hoàn tất kế hoạch phát triển trung hạn trong năm 2015 và 2016. Theo kế hoạch này, Fuji Xerox Hải Phòng sẽ tăng cường cung cấp giải pháp và dịch vụ, chứ không chỉ đơn thuần công nghệ nữa. Kế hoạch tới cuối 2016, tỷ trọng sản xuất của Fuji Xerox tại Việt Nam sẽ cân bằng 50/50 giữa thiết bị và giải pháp./.





Theo vietnamplus.vn