Ảnh chỉ mang tính minh họa (Nguồn: TTXVN)


Không cho biết cụ thể biểu giá nhưng theo lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, đối với những hộ tiêu thụ từ 50 kWh trở xuống sẽ điều chỉnh giá điện tăng thêm 7,5%, còn các hộ sản xuất đang hưởng giá thấp sẽ điều chỉnh cao hơn mức 7,5%, mức tăng cụ thể thì sắp tới Bộ Công Thương sẽ ban hành khung giá cụ thể.



Tại buổi họp báo do Tập đoàn Điện lực Việt Nam tổ chức chiều 6/3, tại Hà Nội, ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giải thích, theo Quyết định 69/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, hàng tháng EVN sẽ tính toán các chi phí phát sinh hoặc chi phí giảm do điều chỉnh các thông số đầu vào và báo cáo Bộ Công Thương.



Trong trường hợp các thông số tăng 7%- trên 7% thì việc điều chỉnh do Bộ Công Thương phê duyệt, nếu trên 10% thì báo cáo Thủ tướng.
'Nếu dùng 50 kWh đầu tiên thì chi phí tăng thêm chưa tới 5.000 đồng/tháng còn đối với các hộ sản xuất mức tăng sẽ dao động từ 0,6-6%,' ông Tri nói.



Theo báo cáo, hiện có 22 triệu hộ đang là khách hàng của EVN, để đáp ứng nhu cầu trên, lượng điện do EVN tự sản xuất chiếm 15-17% còn lại 83% thì EVN phải mua từ bên ngoài.



'Giá bán lẻ là kết quả của việc 83% lượng điện mua ngoài, nếu cung không đáp ứng cầu thì EVN sẽ phải mua giá cao, nếu cung vượt cầu và có sự cạnh tranh giữa các nhà máy thì EVN mua rẻ hơn. Việc mua bán diễn ra hàng ngày, có kiểm toán để xác định các khoản chi phí của EVN,' ông Tri nói.



Ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng Giám đốc EVN đang thông tin về việc điều chỉnh giá điện lên 7,5% (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)


Trước đó, trong tháng Một, EVN đã có tờ trình gửi Bộ Công Thương cập nhật đến các chi phí tăng và giảm tính đến thời điểm 31/1, ước tính các chi phí đầu vào nếu tính đủ sẽ tăng trên 12%. Tuy nhiên, căn cứ vào tình hình kinh tế xã hội thì EVN chỉ đề xuất mức tăng giá điện là 9,5%.



'Dự kiến doanh thu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam sẽ tăng được 13.000 tỷ đồng với mức tăng giá điện 7,5%, trong đó EVN sẽ trích phần lớn cho đầu tư, một phần trích quỹ phúc lợi khen thưởng. Trong trường hợp chi phí mua điện tăng thì EVN cũng phải trích trả cho các đơn vị bán điện,' ông Tri giải thích.



Nói thêm về giá điện trong năm 2015, ông Đinh Quang Tri nhấn mạnh, nếu giá điện, khí, than được giữ ổn định thì giá điện trong năm nay chỉ điều chỉnh một lần duy nhất.



'EVN phục vụ vì xã hội là chính, không phải mục tiêu lợi nhuận, nhưng nếu không có vốn sẽ không có nguồn để tái đầu tư,' ông Tri cho biết.



Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) cho hay, từ thời điểm tăng giá điện gần nhất 1/8/2013 đã có nhiều chi phí phát sinh tác động lên giá điện.



Ước tính, giá than tăng 22% từ tháng 7/2014. Giá khí đã điều chỉnh 4 lần trong 16 tháng qua cộng với thuế tài nguyên nước tăng từ 2% lên 4%, ngoài ra chênh lệch do điều chỉnh của tỷ giá đã làm EVN phát sinh các khoản lỗ còn khoảng 8.000 tỷ đồng.



Trong khi đó, dù giá dầu thô liên tục giảm sâu thời gian qua, nhưng vì điện chạy dầu trong cơ cấu sản lượng chiếm một tỷ trọng rất nhỏ, chỉ 0,55% nên tác động đến giá điện rất nhỏ.



'Việc điều chỉnh giá điện lần này đã có sự thẩm định của liên bộ Tài chính-Công Thương, giá điện điều chỉnh không phải mục tiêu vì lợi nhuận cho EVN mà chỉ tiến tới giá thị trường cho mặt hàng này,' ông Nguyễn Anh Tuấn nói.



Cục trưởng Cục điều tiết Điện lực khẳng định thêm, trong đợt điều chỉnh lần này ở mức 7,5%, Bộ Công Thương cũng đã đánh giá tác động đến chỉ số tiêu dùng (CPI), kinh tế vĩ mô cũng như ảnh hưởng đến chi phí của các hộ sản xuất chính.../.



<blockquote>
Chiều 5/3, tại Trụ sở Chính phủ, sau khi nghe Bộ Công Thương và EVN báo cáo các phương án điều chỉnh giá điện, thường trực Chính phủ đã đồng ý điều chỉnh giá bán điện tăng 7,5%, tương ứng giá bán điện bình quân 1.622,05 đồng/kWh và thời điểm điều chỉnh giá bán điện từ ngày 16/3.



Với mức tăng 7,5%, việc điều chỉnh giá điện lần này đảm bảo các yêu cầu EVN không bị lỗ (nếu không điều chỉnh, năm 2015, EVN sẽ lỗ khoảng 12.000 tỷ đồng); dành một phần để giảm khoản lỗ do chênh lệch tỷ giá các năm trước để lại (hiện còn khoảng 8.000 tỷ đồng); đảm bảo khả năng phấn đấu đạt mức tăng trưởng GDP 6,2%; và bảo đảm kiểm soát lạm phát khoảng 5%.



Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu EVN tiếp tục thực hiện các nhóm giải pháp mà Chính phủ đã chỉ đạo nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn, trong đó năm 2015, phấn đấu giảm tổn thất điện năng xuống 8% (năm 2014 tỷ lệ này là 8,49%); nâng năng suất lao động toàn Tập đoàn Điện lực Việt Nam tăng trên 9%.

</blockquote>



Theo vietnamplus.vn