Ảnh chỉ mang tính minh họa (Nguồn: TTXVN)


Theo Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Nguyễn Văn Nên, hiện nay Bộ Công Thương đang tiến hành kiểm tra, thẩm định phương án giá điện năm 2015 do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đề xuất và sẽ báo cáo Thủ tướng trong tháng Ba.



Cụ thể, theo quyết định số 69/2013/QĐ-TTg quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, trường hợp các thông số đầu vào cơ bản biến động so với thông số đã được sử dụng để xác định giá bán điện bình quân cơ sở cập nhật tại thời điểm tính toán cao hơn so với giá bán điện bình quân hiện hành (sau khi đã sử dụng Quỹ bình ổn giá điện) với mức từ 7% đến dưới 10% và trong khung giá quy định, Tập đoàn Điện lực Việt Nam được phép điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức tương ứng sau khi báo cáo và được Bộ Công Thương chấp thuận.



'Các phương án đề nghị điều chỉnh giá điện của EVN lần này nằm trong phạm vi từ 7% đến dưới 10% và trong khung giá quy định, thuộc thẩm quyền quyết định của Bộ Công Thương,' Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên nói.



Làm rõ thêm về giá điện, tại buổi họp báo do Văn phòng Chính phủ tổ chức chiều 2/3, tại Hà Nội, thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, hiện những mặt hàng thiết yếu như: Điện, than, xăng dầu đều đã được Chính phủ định hướng là sẽ tiến tới giá thị trường.



Riêng với giá điện, theo thứ trưởng, hiện mặt hàng này đang chịu tác động của nhiều yếu tố, đơn cử như giá than tăng 22% ngoài ra giá khí từ thời điểm 1/4/2014 đến 1/1/2015 đã có 4 lần tăng giá, cộng thêm thuế tài nguyên nước tăng từ 2% lên 4%. Ngoài ra, việc điều chỉnh tỷ giá trong năm vừa qua cũng bồi thêm sức ép đẩy chi phí đầu vào của điện tăng lên.



Trong khi đó, mặc dù giá dầu thô thời gian qua liên tục giảm nhưng thực tế dầu chỉ chiếm 0,55% trong cơ cấu giá thành phát điện, do vậy giá dầu việc điều chỉnh của giá dầu đã không tác động nhiều đến giá điện.



'Trước Tết đã đầy đủ các điều kiện điều chỉnh nhưng xét tới việc ảnh hưởng đến tâm lý tiêu dùng của người dân nên chưa điều chỉnh,' thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.



Cũng theo thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, theo tính toán của Ngân hàng thế giới (WB), trong 5 năm tới đây, tổng vốn đầu tư cho các dự án điện sẽ phải vào khoảng 7,5 tỷ USD/năm và 70% số vốn này phụ thuộc vào khu vực tư nhân thông qua các dự án nhà máy điện độc lập. Chính vì vậy, Việt Nam không thể thu hút được đầu tư cho nguồn điện nếu giá điện không phù hợp.



Tuy nhiên, để làm được việc này, lãnh đạo Bộ Công Thương cũng nhấn mạnh, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo EVN thời gian tới phải tăng năng suất lao động, đồng thời giảm tỷ lệ thất thoát điện năng xuống thấp.



'Về cổ phần hóa ngành điện, phải đặt vấn đề tại sao nhà đầu tư không mặn mà đầu tư vào, có thể thấy nguyên nhân là đầu ra (giá điện) ít được điều chỉnh nên không hấp dẫn nhà đầu tư,' thứ trưởng nói./.


Theo vietnamplus.vn