Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải). (Nguồn: Getty Images)


Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ngày 8/2 đã nhất trí sơ bộ về tuyến đường ống khí đốt 'Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ' theo dự kiến.

Đây là dự án mà Moskva hy vọng sẽ thay thế dự án 'Dòng chảy phương Nam,' vốn được Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố hủy bỏ trong một chuyến thăm tới Ankara tháng 12/2014, với cáo buộc Liên minh châu Âu (EU) gây khó khăn cho quá trình triển khai dự án này.
Dự án 'Dòng chảy phương Nam' trị giá 22 tỷ USD nhằm mục đích cung cấp khi đốt của Nga cho châu Âu mà không đi qua Ukraine, quốc gia đang chìm sâu vào khủng hoảng trong thời gian gần đây.



Theo dự án 'Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ,' đường ống khí đốt mới này sẽ chạy qua khu vực Biển Đen và lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ tới khu vực biên giới với Hy Lạp.



Bộ trưởng Bộ Năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ Taner Yildiz và Giám đốc điều hành tập đoàn Gazprom của Nga, ông Alexei Miiller, đã khảo sát tuyến đường ống mới trên tại Biển Đen bằng trực thăng trong 4 giờ bay, khởi hành từ thành phố Istanbul.



Phát biểu với hãng thông tấn Anatolia, ông Yildiz nói: 'Chúng tôi đã có cơ hội để khảo sát tuyến đường ống mới. Chúng tôi đã bay qua một vài địa điểm 2 đến 3 lần để đánh giá những tác động về vấn đề môi trường.'



Ông Yildiz nhấn mạnh, theo kế hoạch, đoạn đường ống chạy qua lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thuộc thị trấn Kiyikoy nằm trên bờ Biển Đen của nước này, sau đó có thể sẽ xuyên qua khu vực Luleburgaz tới thị trấn Ipsala trên biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Hy Lạp.



Về phần mình, Gazprom cũng đã xác nhận về tuyến đường trên trong một tuyên bố và cho biết thêm rằng đoạn đường ống chạy trên bờ biển của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ dài 180km sau khi nó đi qua Biển Đen. Dự kiến thời gian hoàn thành tuyến đường đầu tiên trong dự án này là tháng 12/2016.



Đường ống này - do một công ty con của Gazprom xây dựng - có công suất 63 tỷ mét khối khí. Khoảng 50 tỷ mét khối khí trong số này sẽ được chuyển tới Ipsala để xuất khẩu tiếp.



Đường ống Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ được xem là một biểu tượng trong mối quan hệ mới, đang phát triển giữa Ankara và Moskva tại thời điểm mà cả hai nước đang có mối quan hệ lạnh nhạt với phương Tây.



Thổ Nhĩ Kỳ là một ứng cử viên chính thức để trở thành thành viên của EU, nhưng quá trình này đã bị đình trệ trong những năm gần đây vì nhiều bất đồng giữa hai bên, trong đó có vấn đề nhân quyền và sự phản đối của một số thành viên trong EU về việc đưa một quốc gia với phần lớn là người Hồi giáo vào gia đình Liên minh châu Âu, do lo ngại sự khác biệt về văn hóa có thể khiến Thổ Nhĩ Kỳ khó hội nhập được với EU./.


Theo vietnamplus.vn