Một chiếc tàu đang di chuyển qua kênh đào Suez. (Nguồn: wikipedia)


Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, ngày 4/2, Cơ quan Quản lý kênh đào Suez (SCA) thông báo mức phí quá cảnh qua tuyến đường thủy chiến lược này sẽ được giữ nguyên trong năm 2015, ngoại trừ mức chiết khấu dành cho các tàu chở khí hóa lỏng (LNG).



Phát biểu tại cuộc họp báo quốc tế, Chủ tịch SCA, Trung tướng Mohab Mamish cho biết các tàu chở LNG sẽ được hưởng mức phí chiết khấu 25%, giảm so với mức 35% được áp dụng trong khoảng thời gian từ năm 1994 đến năm 2014.



Quyết định này được đưa ra dựa vào dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới, tỷ lệ lạm phát và xu hướng vận tải thương mại quốc tế. Trước đó, SCA đã tăng 3% phí quá cảnh đối với tất cả các loại tàu chở hàng trong năm 2012. Năm 2013, cơ quan này tiếp tục tăng thêm 5% phí quá cảnh đối với tàu chở dầu và các sản phẩm hóa dầu, 2% đối với tàu chở container và tàu chở xe ôtô.



Tàu chở LNG là lĩnh vực cạnh tranh mới giữa kênh đào Suez và kênh đào Panama vốn công bố áp dụng các mức giá mới vào tháng trước sau hơn một năm tham khảo ý kiến của các hãng vận tải biển. Trước đây, loại tàu này quá lớn đối với kênh đào Panama. Tuy nhiên, sau giai đoạn mở rộng dự kiến hoàn tất vào cuối năm nay, kênh đào Panama sẽ có khả năng tiếp nhận 80% loại phương tiện này trên thế giới, kể cả các tàu có trọng tải 180.000 tấn.



Với chiều dài 163km nối liền Địa Trung Hải với Biển Đỏ, kênh đào Suez là tuyến đường vận chuyển nhanh nhất giữa châu Âu và châu Á, đồng thời là phong vũ biểu của các hoạt động thương mại quốc tế.



Mỗi năm, ước tính khoảng 7,5% khối lượng hàng hóa thế giới qua đường biển được chuyển qua kênh Suez, mang lại cho Ai Cập hơn 5 tỷ USD, đáp ứng khoảng 10% nhu cầu ngoại tệ của nước này. Riêng năm 2014, gần 17.200 tàu thuyền với 822,3 triệu tấn hàng hóa đã đi qua tuyến kênh này, tăng 9% so với năm 2013. Doanh thu của kênh Suez cũng tăng 6,8% lên mức 5,45 tỷ USD, mức cao kỷ lục kể từ khi được đưa vào sử dụng vào năm 1869.



Cũng theo ông Mamish, dự án kênh đào Suez mới sẽ được hoàn thành vào tháng Tám theo đúng thời hạn được Tổng thống Abdel-Fattah Al-Sisi đặt ra.



Dự án này sẽ tạo ra khoảng 1 triệu cơ hội việc làm cho người dân địa phương, đặc biệt là người dân tại bán đảo Sinai và góp phần khôi phục nền kinh tế vốn đang èo uột của Ai Cập.



Được khởi công hồi đầu tháng 8/2014, kênh Suez mới có tổng chiều dài 72km và chạy song song với tuyến kênh hiện nay. Theo tính toán ban đầu, sau khi được hoàn thành và đi vào hoạt động, kênh đào mới sẽ rút ngắn thời gian di chuyển của tàu bè từ 11 giờ xuống còn 3 giờ, nhờ đó tăng gấp 4 lưu lượng vận chuyển container.



Ai Cập kỳ vọng nâng doanh thu từ kênh Suez lên 13,5 tỷ USD vào năm 2023. Bên cạnh việc mở rộng cảng Suez và hệ thống cơ sở vận chuyển hàng hóa, dự án còn hướng tới việc nâng cao vị thế quốc tế của Ai Cập trong vai trò là trung tâm công nghiệp và hậu cần lớn của thế giới, thông qua việc phát triển khu vực hành lang có tổng diện tích hơn 76.000km2 nằm dọc tuyến đường thủy chiến lược này./.


Theo vietnamplus.vn