Công ty Bosch (Đức) đóng tại khu công nghiệp Long Thành (Đồng Nai). (Ảnh: Sỹ Tuyên/TTXVN)


Theo The Street, khi kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại và giá nhân công trở nên đắt đỏ, thì Việt Nam đang nổi lên là điểm đến hấp dẫn mới của các nhà sản xuất nước ngoài, như các hãng xe hơi Ford và Toyota Motor.



Vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam nay mở rộng sang lĩnh vực lắp ráp công nghệ cao và có giá trị cao.



Ông Ralf Matthaes, đối tác tại công ty tư vấn đầu tư Infocus Consultant có trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhận định: “Chính phủ Việt Nam mở rộng cửa chào đón đầu tư nước ngoài trong hầu hết các lĩnh vực, nên việc xin cấp phép và triển khai hoạt động dễ dàng hơn nhiều so với Trung Quốc.”



Hiện các công ty nước ngoài đang rót những nguồn vốn khổng lồ vào lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam.



Từ năm 2010, “người khổng lồ” máy tính Intel đã bắt đầu vận hành nhà máy lắp ráp và kiểm định chip trị giá 1 tỷ USD tại thành phố Hồ Chí Minh. Samsung Electronics, nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Việt Nam, đã chi 11 tỷ USD cho hoạt động sản xuất tại quốc gia Đông Nam Á này trong khi tập đoàn Hon Hai của Đài Loan, nhà thầu sản xuất linh kiện cho Apple, cũng đầu tư sản xuất linh kiện điện thoại thông minh tại Việt Nam.



Trong khi đó tại Trung Quốc, giới chức nước này đang thúc đẩy đầu tư tư nhân và chi tiêu tiêu dùng trong nước để giảm bớt tình trạng ô nhiễm môi trường và phụ thuộc vào vốn đầu tư nước ngoài./.




Theo vietnamplus.vn