Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)


Ngày 2/2, Ngân hàng HSBC Việt Nam và Công ty Markit Economics công bố Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng Một đạt mức 51,5 điểm, thấp hơn tháng 12/2014 là 1,2 điểm. Kết quả này cho thấy các điều kiện kinh doanh ở các công ty thuộc lĩnh vực sản xuất của Việt Nam tiếp tục được cải thiện ở mức khiêm tốn.



Cả sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục tăng vào đầu năm 2015, mặc dù với tốc độ chậm hơn so với tháng 12. Nhu cầu của khách hàng tăng lên là nguyên nhân góp phần làm tăng số lượng công việc mới, từ đó các công ty có thể tăng sản lượng. Trong khi đó, số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới chỉ tăng nhẹ với một số báo cáo cho biết nhu cầu khách hàng ở thị trường xuất khẩu đang yếu đi.



Việc số lượng đơn đặt hàng mới tăng chậm lại, cũng như sự cải thiện về năng suất, đã làm lượng công việc tồn đọng trong lĩnh vực sản xuất giảm, phản ánh tình trạng việc làm tăng mạnh. Hơn nữa, tốc độ tạo việc làm là nhanh nhất trong hơn một năm và là một trong những lần tăng nhanh nhất trong lịch sử chỉ số.



Cũng theo các chuyên gia của HSBC, giá dầu trên thị trường toàn cầu giảm nên chi phí đầu vào đã giảm mạnh nhất trong lịch sử. Nhờ đó, các công ty thuộc lĩnh vực sản xuất có thể giảm mạnh giá cả đầu ra tương ứng. Chi phí đã giảm bốn tháng liên tục và với mức độ giảm là lớn nhất trong thời gian hai năm rưỡi.



Bên cạnh đó, thời gian giao hàng đã được rút ngắn trong suốt 4 tháng qua do hiệu suất hoạt động của người bán hàng đã tăng nhẹ trong tháng Một với việc thanh toán nhanh hơn.



Hoạt động mua hàng cũng đã gia tăng tháng thứ 17 liên tiếp, mặc dù tốc tăng là chậm nhất kể từ tháng Mười. Ở những nơi tăng mua hàng, nguyên nhân được cho là để đáp ứng yêu cầu sản xuất cao hơn. Mặc dù tăng mua hàng hóa đầu vào, tồn kho hàng mua đã giảm lần đầu tiên trong ba tháng. Theo kết quả khảo sát, hàng hóa đầu vào được mua trong những tháng trước đã được sử dụng trong quá trình sản xuất trong tháng Một.



Tồn kho hàng thành phẩm cũng giảm khi sản phẩm được chuyển cho khách hàng. Việc giảm hàng tồn kho sau sản xuất đã kết thúc thời kỳ tăng kéo dài sáu tháng.



Bà Trịnh Nguyễn, chuyên gia kinh tế của HSBC nhấn mạnh: 'Mặc dù số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới đang chậm hơn, việc làm đã tăng nhanh, cho thấy nhu cầu mạnh mẽ đối với hàng hóa của Việt Nam đòi hỏi phải tăng số lượng nhân công. Với giá cả đầu vào giảm do giá dầu giảm mạnh và lượng hàng tồn kho thấp, chúng tôi kỳ vọng sản lượng tiếp tục tăng trong tháng Hai, mặc dù sẽ có chậm lại một chút do kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.'


Theo vietnamplus.vn