Một cảng bốc dỡ container của Singapore. (Nguồn: Bloomberg)


Hội đồng Doanh nghiệp Trung Quốc-ASEAN (CABC) vừa công bố báo cáo quý 4/2014 về Khu thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc và Danh sách các nhãn hiệu nổi tiếng ASEAN-Trung Quốc lần thứ 7.



Báo cáo đã phân tích tình hình kinh tế 10 nước ASEAN và Trung Quốc trong quý 4/2014, điểm lại thành quả hợp tác kinh tế, thương mại ASEAN-Trung Quốc trong năm qua và triển vọng phát triển năm 2015.



Đây là cơ sở quan trọng cho việc nghiên cứu, đánh giá và hoạch định phương hướng phát triển hợp tác kinh tế thương mại song phương trong giai đoạn tới.



Ông Hứa Ninh Ninh, Giám đốc điều hành CABC, cho biết năm 2014 kim ngạch thương mại Trung Quốc-ASEAN chiếm 11,16% tổng kim ngạch ngoại thương Trung Quốc, tăng hơn so với con số 10,66% của năm 2013.



Kim ngạch thương mại song phương năm 2014 đạt trên 480 tỷ USD, tăng 8,3% so với năm 2013, trong đó kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc từ các nước ASEAN là 208,3 tỷ USD, tăng 4,4%, xuất khẩu 272 tỷ USD, tăng 11,5%.



Đáng chú ý là Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 2 của Trung Quốc trong ASEAN, chỉ sau Malaysia . Quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại nhanh nhất với Trung Quốc là Myanmar, Việt Nam và Philippines, lần lượt là 146%, 27,73% và 16,79%.



Xét về kết cấu các mặt hàng xuất nhập khẩu, ba mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất là cơ điện, thiết bị và linh phụ kiện âm thanh, phụ kiện; khoáng sản; kim loại cơ bản và các chế phẩm.



Về đầu tư, trong năm qua tốc độ đầu tư từ hai phía đều giảm. Các nước Đông Nam Á đầu tư vào Trung Quốc 6,51 tỷ USD, giảm 23,8%, còn tổng vốn đầu tư của Trung Quốc tại ASEAN là 5,98 tỷ USD, giảm 18,88%.



Trong đó, Singapore là quốc gia thu hút vốn đầu tư Trung Quốc lớn nhất, với 2,15 tỷ USD, và Philippines là quốc gia có tốc độ tăng trưởng đầu tư từ Trung Quốc cao nhất, tăng 77,78%.



Trong bối cảnh kinh tế thế giới hiện nay vẫn đang phục hồi chậm chạp, hợp tác kinh tế khu vực Đông Nam Á và Trung Quốc sẽ tiếp tục trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế châu Á.



Năm 2015, hợp tác song phương và đa phương trong khuôn khổ Khu thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc sẽ có nhiều cơ hội then chốt và những điểm sáng mới.



Năm triển vọng thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại song phương được Báo cáo đề cập đến là dự kiến đến cuối năm 2015 sẽ xây dựng Cộng đồng ASEAN, hoàn thành đàm phán nâng cấp Khu thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc, Kế hoạch quan hệ đối tác kinh tế toàn diện khu vực RCEP, thực hiện năm hợp tác biển ASEAN-Trung Quốc và tổ chức nhiều hoạt động tăng cường hợp tác giao lưu song phương.



Theo ông Hứa Ninh Ninh, trọng điểm của hợp tác kinh tế song phương năm nay là nâng cấp xây dựng khu thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc.



Để thực hiện mục tiêu kim ngạch thương mại hai chiều năm 2015 đạt 500 tỷ USD, hai bên cần duy trì tăng trưởng ở mức trên 10%. Trong vòng 5 năm tới tốc tộ tăng trưởng vốn đầu tư hai chiều phải gấp 1,5 lần của năm 2013 mới có thể hoàn thành mục tiêu vốn đầu tư tăng mới đạt 150 tỉ USD vào năm 2020. Với nhu cầu thực tế, hai bên phải nắm lấy cơ hội mới, mở cửa thị trường, nâng mức tự do hóa và thuận lợi hóa trong thương mại và đầu tư.



Ngoài ra, CABC đã công bố Danh sách các nhãn hiệu nổi tiếng của 10 nước ASEAN và Trung Quốc lần thứ 7.



Theo đó, mỗi bên giới thiệu 30 doanh nghiệp uy tín thuộc các lĩnh vực như thực phẩm, dược phẩm, máy móc thiết bị, sản phẩm điện tử, xây dựng…nhằm mục đích hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng thị trường, tăng cường hợp tác giữa các nhãn hiệu nổi tiếng, góp phần nâng cấp Khu thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc./.




Theo vietnamplus.vn