Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)


Ngân hàng Standard Chartered dự đoán tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2015 sẽ đạt 6%, cao hơn so với dự báo 5,8% trước đó, nhờ những thành công từ quá trình tái cấu trúc đã đem lại nhiều thành quả kinh tế rõ ràng.



Dự báo này được đưa ra trong Báo cáo Nghiên cứu Toàn cầu do Standard Chartered xuất bản gần đây với tựa đề “The Year Ahead: Rekindling Animal Spirits - Năm tới: Khơi lại sự hưng phấn”.



Báo cáo này nhận định Việt Nam tiếp tục đi đúng hướng và tăng trưởng toàn cầu nói chung được dự báo cũng sẽ gia tăng trong năm 2015. Tuy nhiên, báo cáo cũng lưu ý rằng niềm tin của các nhà đầu tư quốc tế vẫn ở mức thấp dù đã có những dấu hiệu tích cực như vậy.



Các chuyên gia kinh tế của Standard Chartered lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam và dự đoán đầu tư nước ngoài và tốc độ xuất khẩu sẽ gia tăng trong năm 2015.



Cũng theo Báo cáo của Standard Chartered, các công ty đa quốc gia đang ngày càng quan tâm đến việc tăng cường đầu tư vào Việt Nam nhờ các yếu tố thuận lợi như vị trí địa lý, chi phí nhân công và chi phí họat động thấp và Việt Nam đang tích cực tham gia vào các hiệp định thương mại khu vực.



Ông David Mann, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu kinh tế vĩ mô khu vực Châu Á, Ngân hàng Standard Chartered chia sẻ: “Chúng tôi cho rằng khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI và xuất khẩu của Việt Nam có thể sẽ tăng trưởng mạnh trong năm 2015, với tốc độ tăng cao nhất trong cả nền kinh tế. Chúng tôi kỳ vọng sẽ có thêm nhiều tiến triển trong quá trình tái cơ cấu trong năm nay, năm cuối cùng của Kế hoạch Phát triển Kinh tế Xã hội 5 năm (2011-2015). Điều này sẽ giúp cải thiện niềm tin ở trong nước.”



Còn ông Nirukt Sapru, Tổng Giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam cũng cho biết, kinh tế Việt Nam đang bắt đầu phục hồi và chuyển đổi sang các hoạt động có giá trị cao hơn. Chính phủ đã áp dụng nhiều biện pháp quan trọng trong năm 2014 để cải thiện môi trường kinh doanh, dự tính sẽ mang lại hiệu quả từ năm 2015.



Ngoài ra, Báo cáo của Standard Chartered còn đưa ra nhận định, lạm phát của Việt Nam sẽ ở mức 3,4%, tạo điều kiện để điều chỉnh chính sách linh hoạt hơn; Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ thu hút thêm FDI; xuất khẩu hàng điện tử (mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam hiện nay) sẽ tăng tốc trong năm nay; quá trình tái cấu trúc sẽ có thêm những tiến triển; đồng Việt Nam sẽ không chịu nhiều áp lực về tỷ giá ngắn hạn; chính sách tài khóa có thể sẽ được thực hiện linh hoạt vì Việt Nam tiếp tục chú trọng thúc đẩy tăng trưởng./.


Theo vietnamplus.vn