Người tiêu dùng mua thực phẩm tại siêu thị. (Ảnh: Duy Khương/TTXVN)


Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tới thời điểm hiện tại, nguồn cung năm mặt hàng lương thực, thực phẩm chủ yếu như: gạo, thịt, rau, đường, muối tương đối dồi dào, đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nguyên đán 2015.



Bên cạnh đó, với sự chỉ đạo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành và địa phương triển khai quyết liệt công tác bình ổn giá nhằm hạn chế khả năng tăng giá đột biến dịp Tết năm 2015, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.



Nguồn cung dồi dào



Theo báo cáo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, tồn kho của các doanh nghiệp tính đến 31/12/2014 vẫn còn một lượng lớn khoảng 707.190 tấn gạo. Trong số đó: Tổng công ty Lương thực miền Nam tồn 229.088 tấn, Tổng công ty Lương thực miền Bắc tồn 71.500 tấn, các doanh nghiệp khác tồn 406.602 tấn.



Đặc biệt, trong thời gian tới, do nguồn cung trong nước sẽ được bổ sung từ vụ thu hoạch mới (khoảng hơn 1,5 triệu tấn trong tháng 1 và 2/2015), trong khi nhu cầu xuất khẩu chưa có dấu hiệu khả quan nên giá lúa gạo ổn định, trừ một số loại gạo chất lượng cao và gạo nếp có thể tăng nhẹ do nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp Tết Nguyên đán.



Còn đối với nguồn cung các loại thực phẩm từ gia súc và gia cầm, hiện không có nhiều biến động với sản lượng tương đối dồi dào. Cụ thể, ước tổng sản lượng thịt hơi trong nước tháng 1/2015 đạt khoảng 581.220 tấn; trong đó, thịt lợn khoảng 422.720 tấn, thịt gia cầm 110.470 tấn, thịt trâu-bò khoảng 48.040 tấn; trứng khoảng 1.037,07 triệu quả.



Đối với các sản phẩm rau, tính đến thời điểm hiện nay, kết quả sản xuất rau các tỉnh phía Bắc đạt 180.000ha, tăng khoảng 15.000ha so với cùng kỳ 2013. Nhìn chung, sản xuất rau vụ Đông để phục vụ Tết Nguyên đán 2015, nguồn cung dự kiến không thiếu, nếu không có điều kiện bất thường về thời tiết.



Bên cạnh đó, các sản phẩm khác như đường, muối… sẽ đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết sắp tới. Cụ thể, sản xuất đường năm 2014 với tổng cung đạt 1,868 triệu tấn (bao gồm sản xuất 1,590 triệu tấn; nhập khẩu 77.200 tấn; tồn kho 200.000 tấn); tổng cầu 1,4 triệu tấn. Sản lượng muối tính đến 20/12/2014 đạt 1,201 triệu tấn, (tăng 15,6% so với cùng kỳ 2013) và lượng muối tồn trong diêm dân và một số doanh nghiệp sản xuất vẫn còn khoảng 156.120 tấn.



Triển khai quyết liệt bình ổn giá



Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Vũ Văn Tám cũng cho biết, nhìn chung, cung cầu một số mặt hàng lương thực, thực phẩm chủ yếu có nhu cầu cao vào dịp cuối năm đã bảo đảm, có thể đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết sắp tới. Song các đơn vị cũng không thể chủ quan do những diễn biến mới về thời tiết, thị trường cũng như tình hình dịch bệnh.



Công ty Lương thực Thành phố Hồ Chí Minh tích cực tham gia bình ổn giá. (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN)


Mặt khác, theo quy luật hàng năm, nhu cầu tiêu dùng của nhân dân vào dịp Tết Nguyên đán thường tăng cao. Đặc biệt, nhu cầu tiêu dùng hàng chất lượng cao của người dân ngày càng tăng lên, có thể dẫn tới thiếu mặt hàng chất lượng cao xảy ra cục bộ tại một số thành phố lớn. Vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trương sẽ kiểm soát chặt chất lượng hàng xuất nhập khẩu, từ các loại thịt tới rau quả...



Bên cạnh đó, để tránh tình trạng tăng giá vào dịp cuối năm đối với các nông sản thiết yếu này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành và địa phương triển khai quyết liệt công tác bình ổn giá dịp Tết năm 2015 và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng trừ dịch bệnh.



Cụ thể, Bộ sẽ tăng cường phối hợp với Bộ Công Thương chỉ đạo các địa phương trực thuộc nhất là các tỉnh biên giới khu vực cửa khẩu tăng cường kiểm soát vấn đề nhập lậu gia súc, gia cầm và tạm nhập tái xuất thực phẩm. Đây là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến thị trường và sản xuất, chăn nuôi trong nước.



Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo các địa phương thực hiện chính sách bình ổn giá thực phẩm hợp lý, vừa tránh tăng giá đột ngột và ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng, nhưng phải khuyến khích được sản xuất trong nước phát triển.



Đối với một số mặt hàng có hạn ngạch thuế quan nên sớm công bố và có phương án đề xuất Chính phủ để điều hành nhịp nhàng, phù hợp với diễn biến cung cầu trong nước (như mặt hàng đường, muối...).



Bộ cũng đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông và các phương tiện thông tin đại chúng như truyền hình, cơ quan thông tấn báo chí... cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền định hướng thị trường, kịp thời phản ánh cung cầu các mặt hàng lương thực, thực phẩm, phổ biến pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm và nhất là công tác tuyên truyền chương trình ưu tiên người Việt Nam dùng hàng Việt Nam trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015./.


Theo vietnamplus.vn