Thu mua cá tại cảng cá Tắc Cậu, huyện Châu Thành, Kiên Giang. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)


Thuộc vùng biển Tây Nam nằm trong Vịnh Thái Lan có nhiều lợi thế, tiềm năng phát triển kinh tế thủy sản, vùng biển Kiên Giang được xác định là một trong 4 ngư trường trọng điểm của cả nước, với sản lượng khai thác hải sản hơn 450.000 tấn/năm.



Theo Quy hoạch hệ thống cảng cá, bến cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá giai đoạn 2010-2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh Kiên Giang sẽ xây dựng 10 cảng cá, 13 bến cá và 13 khu neo đậu tránh trú bão.



Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Kiên Giang, triển khai thực hiện quy hoạch trên, đến thời điểm này, tỉnh đã hoàn thành đưa vào khai thác 7 cảng cá ở tuyến ven bờ và tuyến đảo, với tổng vốn đầu tư hơn 192 tỷ đồng. Hiện tỉnh đang tiếp tục xây dựng cảng cá Ba Hòn, nâng cấp cảng cá An Thới và chuẩn bị đầu tư giai đoạn 2, mở rộng cảng cá Tắc Cậu.



Ông Quảng Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang cho biết hoạt động hiệu quả từ cuối năm 2013 đến nay, cảng cá Tắc Cậu là cảng cá lớn nhất trong cả nước, diện tích gần 32 ha, có khả năng tiếp nhận tàu cá công suất 600 CV, hàng hóa qua cảng bình quân hơn 270.000 tấn/năm, trong đó hàng thủy sản chiếm trên 96%.



Cảng cá Tắc Cậu là trung tâm tiếp nhận tàu cá, phân phối và chế biến thủy sản, mua bán hải sản, cung cấp các dịch vụ hậu cần nghề cá không những đáp ứng nhu cầu cho các tàu cá trong tỉnh mà còn cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và một số tỉnh miền Trung. Tiếp đến, tỉnh Kiên Giang đang triển khai thực hiện 2 khu neo đậu tránh trú bão tàu cá đảo Hòn Tre (Kiên Hải), vốn đầu tư gần 200 tỷ đồng và Lình Huỳnh (Hòn Đất) hơn 65 tỷ đồng.



Hoạt động của các cảng cá, bến cá đã góp phần nâng cao chất lượng nguyên liệu hải sản và giá trị sản phẩm chế biến, tăng vòng quay chuyến biển, hiệu quả khai thác cao hơn, góp phần giải quyết việc làm cho ngư dân, tạo điều kiện cho đoàn tàu cá Kiên Giang phát triển nhanh về số lượng, công suất lớn theo hướng đánh bắt xa bờ.



Hiện nay, tỉnh Kiên Giang có đoàn tàu cá hơn 10.880 chiếc, với tổng công suất trên 1,8 triệu CV, trong đó tàu công suất từ 90 CV/chiếc trở lên đủ khả năng khai thác xa bờ nhiều nhất nước, với hơn 4.000 tàu và 250 tàu dịch vụ hậu cần nghề cá. Năm 2014, sản lượng đánh bắt hải sản của tỉnh hơn 462.000 tấn; giá trị khai thác đạt khoảng 12.000 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu thủy sản hơn 161 triệu USD.



Tiếp tục triển khai quy hoạch hệ thống cảng cá, bến cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá giai đoạn 2010 - 2020, định hướng đến năm 2030 gắn với thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, tỉnh Kiên Giang đang tập trung đầu tư xây dựng, nâng cấp, mở rộng các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão tuyến đảo, tuyến ven bờ, cơ sở sản xuất giống, cơ sở hạ tầng phục vụ khai thác hải sản và nuôi tôm tập trung.



Ông Mai Anh Nhịn, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang cho biết, tỉnh đã đề nghị vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ đầu tư các dự án tuyến đảo gồm: nâng cấp, mở rộng cảng cá An Thới (Phú Quốc) 42 tỷ đồng; xây dựng khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đảo Nam Du (Kiên Hải) 260 tỷ đồng; nâng cấp mở rộng cảng Thổ Châu kết hợp với khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đảo Thổ Chu (Phú Quốc) 155 tỷ đồng; xây dựng khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá kết hợp bến cá mũi Gành Dầu (Phú Quốc) 153 tỷ đồng; xây dựng cơ sở hạ tầng khu sản xuất giống thủy sản tập trung tại đảo Phú Quốc 60 tỷ đồng.



Tiếp đến, các dự án đầu tư hạ tầng tuyến ven bờ gồm: mở rộng cảng cá Tắc Cậu (Châu Thành) giai đoạn 2, tổng mức đầu tư 850 tỷ đồng, trong đó đề nghị Trung ương hỗ trợ trong 2 năm (2015-2016) là 170 tỷ đồng bồi thường, giải phóng mặt bằng; xây dựng Trung tâm nghề cá Kiên Giang tại huyện Châu Thành, tổng mức đầu tư 850 tỷ đồng, trong đó đề nghị Trung ương hỗ trợ trong 2 năm (2015-2016) là 155 tỷ đồng bồi thường, giải phóng mặt bằng.



Ngoài ra, đầu tư một số dự án khác như: nạo vét luồng và lắp đặt hệ thống phao tiêu, biển báo ra vào cảng cá Tắc Cậu; đầu tư hạ tầng vùng nuôi tôm công nghiệp tập trung huyện Kiên Lương gồm: hệ thống điện trung thế và hạ thế, hệ thống dẫn nước biển đến vùng nuôi tôm.



Những dự án này triển khai thực hiện trong 5 năm tới (2015-2020) kết hợp với nhiều dự án khác phục vụ nghề cá, nhằm xây dựng ngành kinh tế thủy sản tỉnh Kiên Giang thành ngành sản xuất hàng hóa lớn, hiện đại, hiệu quả cao, giá trị xuất khẩu lớn, tạo nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động thủy sản và tạo nội lực cho những ngành nghề liên quan phát triển.



Qua đó, góp phần xóa đói giảm nghèo, đóng góp vào an ninh thực phẩm, ổn định xã hội và phát triển kinh tế ở các địa phương, nhất là khu vực tuyến biển, hải đảo; phấn đấu kim ngạch xuất khẩu thủy sản chiếm 35-40% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh; đưa Kiên Giang trở thành một trong những trung tâm lớn về khai thác, nuôi trồng, chế biến và dịch vụ hậu cần nghề cá của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược của ngành kinh tế thủy sản Kiên Giang và cả nước đến năm 2020./.


Theo vietnamplus.vn